Khoảng 340.000 người đã rời khỏi Libya lánh nạn

Khoảng 340.000 người đã chạy khỏi Libya để lánh nạn, 9.000 người khác bị mắc kẹt, Libya phải đối mặt với nguy cơ thảm họa nhân đạo lớn.
Ngày 24/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết khoảng 340.000 người đã chạy khỏi Libya để lánh nạn và khoảng 9.000 người khác vẫn đang bị mắc kẹt.

Nguy cơ một thảm họa nhân đạo lớn đang cận kề với người dân Libya khi chiến sự ngày càng khốc liệt và giá cả đang tăng mạnh. Theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới, giá lương thực tại đất nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tuần qua.

Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Libya Mussa Ibrahim cho biết khoảng 100 dân thường đã thiệt mạng sau gần một tuần liên quân tiến hành các cuộc không kích nhằm vào đất nước này. Đài truyền hình quốc gia Libya đưa tin "nhiều địa điểm quân sự và dân sự ở Tripoli và Tajura đã trở thành mục tiêu của tên lửa tầm xa."

Trong khi đó, liên quân đã tiến hành các vụ không kích mới. Phó Đô đốc William Gortney, một chỉ huy trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay đợt tấn công này được thực hiện bằng cả máy bay tiêm kích và tên lửa.

Theo ông Gortney, 14 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã tấn công các trận địa phòng không của Libya, trong khi máy bay tiêm kích tiếp tục oanh tạc các địa điểm bố trí tên lửa phòng không, thông tin liên lạc, các trung tâm chỉ huy và kho vũ khí của nước này.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại châu Phi Carter Ham còn tuyên bố liên quân đang chuyển mục tiêu tấn công lực lượng thân chính phủ.

Trong diễn biến liên quan, ngày 24/3, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua quyết định chấp thuận cho quân đội nước này tham gia chiến dịch hải quân của NATO ở ngoài khơi Libya nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với quốc gia Bắc Phi này. Theo quyết định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử một tàu ngầm, bốn tàu khu trục và một tàu hỗ trợ tham gia sứ mệnh ở ngoài khơi Libya.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt chỉ trích các cuộc không kích do phương Tây đứng đầu nhằm vào Libya cũng như quy mô của những cuộc tấn công này, đồng thời bác bỏ bất cứ vai trò nào trong các sứ mệnh tác chiến. Tuy nhiên, Ankara khẳng định sẵn sàng tham gia phân phát viện trợ nhân đạo và quản lý Sân bay Benghazi.

Ngoài ra, một quan chức Mỹ tiết lộ Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày 24/3 đã đồng ý cử 12 máy bay chiến đấu cho liên quân.

Trước tình hình này, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường Libya. Phát biểu tại một phiên họp kín của Liên hợp quốc, đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông cho rằng nghị quyết của Liên hợp quốc là nhằm bảo vệ dân thường, không phải để gây ra một thảm họa nhân đạo lớn hơn.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình tình hình Libya, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Jean Ping đã mời các đại diện của Chính phủ Libya và phe đối lập tham gia cuộc đàm phán tại thủ đô Adis Abeba của Ethiopia.

Phát biểu trước báo giới, ông Jean Ping cho biết nhà lãnh đạo Libya Muamer Gaddafi có thể cử thủ tướng tham gia đàm phán.

Đại diện AU, Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước Arập láng giềng cũng đã nhận được lời mời tới Ethiopia để tham dự cuộc họp diễn ra hôm nay (25/3). Trước cuộc họp này, ông Jean Ping một lần nữa bày tỏ sự thất vọng về sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục