Khoảng 695.000 người châu Âu tử vong vì hút thuốc

Bất chấp lệnh cấm tại các nhà hàng và các khẩu hiệu về tác hại của việc hút thuốc, số người hút thuốc hầu như không giảm tại các nước EU.
Năm ngoái, tại các nước thuộc Liên minh châu Âu, khoảng 695.000 người đã tử vong vì hút thuốc.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm tại các nhà hàng và các khẩu hiệu rùng rợn về tác hại của việc hút thuốc, số người hút thuốc hầu như không giảm.

Một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu trong ngày Thế giới chống hút thuốc của Liên hiệp quốc 31/5 vừa qua, 28% người dân châu Âu hút thuốc lá. Trong khi đó, 21% số người từng hút thuốc cho biết họ đã từ bỏ thuốc lá.

Tuy nhiên, số người hút thuốc vẫn gia tăng tại Cộng hoà Séc, Phần Lan và Slovenia.

Những người hút thuốc điển hình thường có hồ sơ không mấy khả quan, phần lớn họ là những đàn ông trẻ từ 15-54 tuổi đã bỏ học sớm, thất nghiệp hay phá sản.

Cuộc khảo sát còn cho thấy, 40% người dân Hy Lạp (tỷ lệ cao nhất trong Liên minh châu Âu) và 30% người dân Síp hút thuốc.

Trung bình một ngày người Hy Lạp tiêu thụ 21 điếu thuốc, còn người Síp tiêu thụ 27 điếu/ngày.

Áo, Hungary, Latvia, Ba Lan, Romania, và Tây Ban Nha là những điểm đỏ trên bản đồ trong cuộc khảo sát.

Italy và Bồ Đào Nha đứng ngoài cuộc với số lượng người hút thuốc thấp trong khu vực Địa Trung Hải.

Theo trang tin Euobsever, Uỷ viên EU phụ trách về Y tế John Dalli đến từ Malta cho biết, tới mùa Thu này, ông sẽ siết chặt chỉ thị đã có 11 năm nay về sản xuất thuốc lá tại EU, trong đó quản lý chặt hơn lượng nicotin cũng như những cảnh báo về sức khỏe trên bao bì.

Ông John Dalli cũng nói thêm rằng, ông “đặc biệt quan tâm” tới ảnh hưởng của thuốc lá đến giới trẻ.

Số thanh niên hút thuốc ngày càng gia tăng mặc cho những chính sách chống thuốc lá ở cấp quốc gia, và sự ủng hộ của công chúng đối với việc thắt chặt việc quản lý thuốc lá.

64% số người nói rằng, họ không muốn thấy thuốc lá trong tầm mắt họ tại cửa hàng.

53% số người cho rằng, cần đánh thuế cao hơn cho các mặt hàng thuốc lá.

73% số khác cho biết, họ sẵn sàng chi trả cho các thiết bị phòng chống buôn lậu thuốc lá.

Dựa theo báo cáo năm 2011 của cơ quan cảnh sát chung của EU, Europol, buôn lậu thuốc lá vào EU trị giá 10 tỷ euro mỗi năm.

Một cuộc điều tra của BBC phát hiện ra rằng, Milo Djukanovic - cựu lãnh đạo của Montenegro, người đưa đất nước trở thành thành viên EU trong khi ông là thành viên băng đảng buôn lậu thuốc lá với giá trị hàng trăm triệu euro mỗi năm./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục