"Khoảng 86% lao động dệt may Việt bị tác động bởi Cách mạng 4.0"

Được đánh giá là cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật và tạo ra sự đột phá về năng lực sản xuất, song nếu chuẩn bị không tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bỏ lỡ còn con tàu từ cuộc Cách mạng 4.0.
"Khoảng 86% lao động dệt may Việt bị tác động bởi Cách mạng 4.0" ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Được đánh giá là cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật và tạo ra sự đột phá về năng lực sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu, song nhiều ý kiến cho rằng nếu chuẩn bị không tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bỏ lỡ con tàu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Đây cũng là nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam,” do Báo Công Thương phối hợp với Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 18/8, tại Hà Nội.

[Cách mạng công nghiệp 4.0 có tính cảnh báo cao với Việt Nam]

Hàng loạt chi phi sẽ được cắt giảm

Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng.

Nếu trước đây, phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện chỉ sau cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba chưa đầy nửa thế kỷ.

Cụ thể hơn, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, những điểm đột phá được nhìn thấy rõ nhất chính là giúp tối ưu hóa quá trình lao động và sản xuất, đặc biệt là một loạt chi phi sẽ được hợp lý hóa và cắt giảm.

Đáng chú ý, mức giảm về chi phí giao dịch và quản lý có thể từ 30%-70%. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải tiến quy trình, cải tiến dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, đồng thời giúp cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

Đơn cử từ việc tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, ông Lực nhấn mạnh, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. số lượng doanh nghiệp của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này sẽ tăng lên nhờ năng suất lao động cao hơn và chất lượng sản phẩm được cải tiến.

Chuyên gia này dự báo, trong vòng 10 năm nữa sẽ có khoảng 60% giao dịch xuất nhập khẩu sẽ được số hóa, tăng từ 10-12 lần so với hiện nay và đây sẽ là điểm nhấn để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.

"Khoảng 86% lao động dệt may Việt bị tác động bởi Cách mạng 4.0" ảnh 2Các chuyên gia thảo luận về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhân công giá rẻ đối mặt với thất nghiệp

Mặc dù cuộc cách mạng đã tạo ra sự thay đổi rất lớn về khoa học và công nghệ, nhưng ​đồng thời cũng tạo ra sức ép cho các ngành sử dụng nhiều lao động nhất là nhân công giá rẻ.

​Nhìn nhận vấn đề này theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu của Việt Nam rất lớn, nhưng nhiều mặt hàng vẫn chủ yếu làm gia công, lắp ráp, do vậy giá trị gia tăng chưa cao, nên đứng trước cuộc cách mạng 4.0 sẽ là điều lo lắng.

Trong khi đó, dẫn báo cáo của tổ chức lao động quốc tế (ILO) chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, có thể 86% lao động dệt may Việt Nam sẽ bị tác động bởi cuộc cách mạng này.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng nhìn nhận, điều đó không có nghĩa tất cả lao động trong ngành dệt may sẽ phải thất nghiệp ngay lập tức, bởi có rất nhiều nguồn việc thay thế.

"Việc liên quan tới đào tạo lại nhân lực thì doanh nghiệp phải tính ngay từ bây giờ, hơn nữa doanh nghiệp cũng cần phân tích, đánh giá để đưa ra chiến lược kinh doanh cho mình phù hợp với từng giai đoạn,” ông Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

Thực tế, những lo lắng của các chuyên gia cũng là vấn đề đặt ra của nhiều doanh nghiệp. Nêu ra thực tế này, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đưa đến cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế.

Ông Trịnh nhấn mạnh, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp liên tục phải thay đổi và đổi mới, bắt buộc phải thay đổi theo xu thế của thị trường và thế giới để có thể cạnh tranh được khách hàng.

Với thực tế của doanh nghiệp Việt Nam, ông Trịnh cũng cho rằng, cách mạng 4.0 mới chỉ ở góc độ "start-up" nghĩa là bắt đầu và đang tiếp cận, do vậy để thay thế được may móc và thay thế con người cũng cần quá trình lâu dài. Th​ực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị một nguồn lực tài chính nhất định thì mới có thể thay thế được nguồn nhân công giá rẻ.

"Với các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển thì liên tục phải thay đổi và đổi mới, bắt buộc phải thay đổi theo xu thế của thị trường và thế giới để có thể cạnh tranh và lôi kéo được khách hàng," ông Phí Ngọc Trịnh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục