Khoảng 90% người VN sẽ được đào tạo nghề

Ngày 6/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện đề án ''Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020'', tổ chức tại 5 điểm cầu.
Ngày 6/8, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện đề án ''Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020'' đã diễn ra tại 5 điểm cầu là Văn phòng Chính phủ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ những ý kiến tại hội nghị này đã đóng góp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án; trong đó cần dự kiến nhu cầu về cơ cấu lao động như 70% là đào tạo ngắn hạn, sơ cấp, khoảng 15% trung cấp và cao đẳng; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề khoảng 55%.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020, khoảng 90% người Việt Nam được đào tạo nghề. Cùng với cơ cầu nghề, đề án cần làm rõ cơ cấu cơ sở đào tạo để đầu tư hợp lý, hiệu quả, tránh dàn trải...

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý đề án cần quan tâm tới nội dung tạo điều kiện để việc xuất khẩu lao động Việt Nam trở thành một nội dung quan trọng và có thương hiệu trên thị trường thế giới.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sơ kết cuộc vận động đổi mới nhận thức xã hội dạy nghề 2008 - 2010 và triển khai cuộc vận động mới cao hơn nữa cho giai đoạn sau; hoan nghênh đề án đã đề ra phương hướng đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề; sau năm 2015, chỉ ban hành khung chương trình.

Trong dạy nghề lưu ý tiếp thu những công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào giảng dạy; lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính đột phá để phát triển dạy nghề, ông Nhân nói.

Tại hội nghị này, căn cứ từ tình hình thực tiễn, các địa phương sẽ nêu lên những khó khăn tồn tại trong công tác dạy nghề; thảo luận làm rõ các nội dung về mục tiêu của đề án, số lượng, chất lượng đào tạo, những giải pháp đột phá, động lực để phát triển nghề nghiệp, cơ chế tài chính…

Theo đề án, giai đoạn 2009 - 2020 sẽ dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người để đảm bảo vào năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%. Đến năm 2020, cả nước có 230 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề.

Trong giai đoạn này sẽ đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để số này trở thành giáo viên dạy nghề. Đến năn 2020, 100% trường đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề được ban hành khung chương trình; 90% trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề cùng 70% trung tâm dạy nghề và 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng.

Đề án cũng đề cập đến 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung làm rõ hướng đầu tư cho các cơ sở dạy nghề; các chính sách cụ thể đối với người dạy nghề, người học nghề, cơ sở dạy nghề và người lao động qua đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý dạy nghề; cơ chế tài chính và nguồn lực đầu tư cho dạy nghề.

Đối với nhóm giải pháp mang tính đột phá trong đổi mới và phát triển dạy nghề, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm các nội dung như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; cơ chế huy động mọi nguồn lực tham gia đổi mới và phát triển dạy nghề.

Có ý kiến lại cho rằng trong 7 nhóm giải pháp của đề án chưa thấy nhắc tới cơ chế thu hút đầu tư vào dạy nghề, thực hiện tốt công tác xã hội hóa công việc này.

Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đề án quan tâm tới vấn đề tạo chuyển biến đồng bộ về tư tưởng, nhận thức đối với việc học nghề của toàn xã hội; đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho sát với yêu cầu thực tế.

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị khi thực hiện đề án, cần xác định cụ thể nội dung công việc phải làm trước như vấn đề giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất chuẩn bị tốt trước một bước, tránh tình trạng đồng bộ, dàn trải, kém hiệu quả.

Nhiều ý kiến đóng góp nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của giáo viên giảng dạy, đề nghị đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề để phù hợp yêu cầu thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục