Khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam giữa bối cảnh đại dịch COVID-19

Trang Nikkei Asia Review của Nhật Bản đánh giá rằng nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh 1Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng là điểm sáng thu hút FDI trong năm 2020 với 58 dự án, có tổng vốn hơn 2 tỷ USD. (Nguồn: TTXVN)

Trang Nikkei Asia Review của Nhật Bản ngày 20/1 có bài đánh giá về câu chuyện bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu.

Theo bài viết, điều đáng kinh ngạc là Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt dù có biên giới chung với Trung Quốc - nơi dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra xuất hiện. Các hoạt động kinh tế, các quán bar và tất cả các lĩnh vực khác nhau vẫn hoạt động, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, ngay cả khi các nước láng giềng vẫn phải vật lộn với suy thoái do đại dịch.

Năm 2020 là năm Việt Nam thực hiện 3 thỏa thuận thương mại tự do là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và FTA Việt-Anh (UKVFTA), tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, có thêm một hãng hàng không. Đồng thời, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6 (từ vị trí thứ 7) ở Đông Nam Á theo thu nhập bình quân đầu người.

“Câu thần chú” của Việt Nam là đảm bảo thực hiện "nhiệm vụ kép" - chống dịch và phát triển kinh tế.

[Kinh tế Việt Nam 2021: Động lực tăng trưởng là tổng hòa nhiều yếu tố]

 Nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2020, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, ở mức 2,9% và dự kiến đạt mục tiêu 6,5% vào năm 2021.

Nhờ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được một cột mốc nhỏ. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 10/2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Và xét tuyệt đối, GDP của Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế tăng cao. Các nhà đầu tư cũng xem Việt Nam là một trong số ít quốc gia có triển vọng trong thời điểm hiện nay.

Theo báo cáo mới đây của Euromonitor về chỉ số đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A), Việt Nam được dự báo là một trong những thị trường có hoạt động M&A năng động, tiềm năng nhất toàn cầu năm nay, chỉ đứng sau Mỹ. Trương Quang, đối tác điều hành của YKVN, cho biết: "Việt Nam là thị trường duy nhất có thể thực hiện các giao dịch".

Theo Nikkei, phản ứng trước đại dịch COVID-19 của Việt Nam đã cho quốc tế thấy rằng đất nước này là một địa điểm đầu tư an toàn.

Việt Nam đặt trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ để có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Vì vậy, năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn từ Pegatron - nhà cung cấp cho Apple và Samsung - đến tập đoàn LG Electronics.

Cuối năm 2020, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực có kế hoạch hoặc đã mở xưởng tại Việt Nam. Lĩnh vực điện tử đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn chủ yếu là sản xuất và lắp ráp cơ bản. Tuy nhiên Việt Nam đã có chính sách ưu tiên chấp thuận các khoản đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thêm giá trị gia tăng.

Khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh 2Công nhân tại nhà máy của Công ty vốn FDI SanQi Việt Nam kiểm tra và đóng gói khẩu trang y tế. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Các công ty ở Việt Nam cũng tận dụng khoảng thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19 để nâng cao năng lực của nhân viên trong nước. Nhiều công ty cho biết nhân viên trong nước đang tham gia nhiều việc hơn trong khi các đồng nghiệp nước ngoài không thể nhập cảnh. Theo khảo sát do công ty nhân sự Adecco công bố vào tháng 8/2020, hơn một nửa (56%) các nhà quản lý nhân sự cho biết sẽ ưu tiên đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng trong quý tới.

Để tăng tốc độ phục hồi, chính phủ đã phê duyệt khoản cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD. Chính phủ cũng cắt giảm thuế và phí, cung cấp các khoản vay và tăng chi tiêu công, bao gồm cả cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Cũng theo Nikkei Asia Review, Việt Nam có sự minh bạch rõ ràng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Chính phủ đã chia sẻ thông tin cập nhật liên tục về biện pháp chống lại dịch COVID-19, thông tin chi tiết về lịch sử di chuyển của bệnh nhân và cách chính quyền xác định liệu việc tử vong có liên quan đến dịch COVID-19 hay không.

Trang tin dẫn lời đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen nói: “Tôi tin rằng các bài học kinh nghiệm từ thành công này về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội sẽ giúp chính phủ đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.”

Với cơ sở hạ tầng và khả năng quản trị được cải thiện và người lao động và các nhà cung cấp được trang bị tốt hơn, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam có thể sẽ đạt được nhiều thành tựu, Nikkei Asia Review nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục