Khởi công xây tượng đài Chiến thắng Thượng Đức

Lễ khởi công xây dựng tượng đài Chiến thắng Thượng Đức đã diễn ra ngày 16/4, tại thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, tỉnh Quảng Nam.
Kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã khởi công xây dựng tượng đài Chiến thắng Thượng Đức đã diễn ra ngày 16/4, tại thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh.

Tham dự lễ có ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, cùng đông đảo tướng lĩnh, sỹ quan Sư đoàn 304, Quân khu 5, cán bộ, nhân dân huyện Đại Lộc.

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức được xây dựng trên diện tích 8,2ha bao gồm tượng đài chính, sân hành lễ, cây xanh, điện chiếu sáng… với tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng, do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tài trợ.

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng phối hợp với công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư quy hoạch và thiết kế Quảng Nam thiết kế và được Hội đồng nghệ thuật tỉnh Quảng Nam góp ý thông qua.

Tượng đài làm bằng đá granic, chiều cao tượng đài 18,2m. Tượng đài chiến thắng Thượng Đức được xây dựng hướng về phía Đông Bắc.

Theo kế hoạch, công trình tượng đài chiến thắng Thượng Đức sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Thượng Đức ngày (1974-2014).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ Thượng Đức nằm trên địa phận xã Đại Lãnh bị Mỹ ngụy biến thành một hệ thống quân sự hầm ngầm liên hoàn bêtông cốt thép kiên cố, được địch xem như là cánh cửa thép phía Tây Đà Nẵng, là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất ở miền Nam Việt Nam.

Chiến dịch tấn công giải phóng Thượng Đức do Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), cùng các đơn vị pháo binh, công binh, phòng không phối thuộc và lực lượng bộ đội địa phương đảm nhiệm thực hiện diễn ra từ ngày 29/7 đến 7/8/1974.

Chiến thắng Thượng Đức của quân và dân Việt Nam đã đập tan “cánh cửa thép” phía Tây Đà Nẵng, làm choáng váng cả chế độ ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.

Đây được xem là trận chiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975; trở thành bản anh hùng ca cách mạng bất khuất trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh Quảng Nam nói riêng và của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, trong chiến dịch này, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ, quân du kích và người dân huyện Đại Lộc hy sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 1.300 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 304 đã hy sinh trong thời gian diễn ra trận tấn công này.../.

H.Chung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục