Khói mù ở Hà Nội không phải chỉ do đốt rơm rạ

Những sự cố sương khói quang hóa vào tháng 6 năm nay và năm 2009 tại Hà Nội là do ô nhiễm khí trùng với thời gian nghịch nhiệt.
Thời gian gần đây, buổi tối ở nhiều thị trấn, thị xã khu vực miền Bắc, đặc biệt là thành phố Hà Nội đã xuất hiện tình trạng sương khói mù mịt, gây khó thở cho con người, nhất là người già và trẻ em.

Có không ít người đã vội vàng quy kết tình trạng này là hậu quả của hoạt động đốt rơm rạ của nông dân khu vực ngoại thành gây ra.

Song, với góc nhìn của một nhà khoa học, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, trưởng Ban Phản biện xã Hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam (VACNE) đã khẳng định: “Đây là hiện tượng sương khói quang hóa và không nên đổ tội cho nông dân.”

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe cảnh báo cần phân biệt rõ hiện tượng sương khói quang hóa và hiện tượng khói mù do đốt rơm rạ ngoại thành. Những sự cố sương khói quang hóa vào các tháng 6 năm nay và năm 2009 tại nội đô Hà Nội là do ô nhiễm khí trùng với thời gian nghịch nhiệt.

Theo ngữ nghĩa, sương khói quang hóa (smog) là sự kết hợp từ sương mù (fog) và từ khói (smok). Bản chất của nó là hiệu quả của hiệu ứng nghịch nhiệt trong hoàn cảnh lớp không khí sát mặt đất bị ô nhiễm. Nếu theo quy luật chung, nhiệt độ lớp khí quyển sát mặt đất nóng hơn trên tầng cao khiến cho hiện tượng đối lưu xảy ra, giúp cho việc làm loãng các chất gây ô nhiễm khí phát sinh sát mặt đất (đây là hiện tượng thuận nhiệt).

Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy và có hai trường hợp sẽ xảy khi lớp không khí bên trên cao lại nóng hơn lớp không khí sát mặt đất, khiến cho hiện tượng đối lưu làm sạch không khí không thể xảy ra được.

Khi có lớp không khí mát lấn vào vùng khí nóng, luồng khí mát nặng hơn sẽ đi là là sát mặt đất đẩy khí nóng lên cao. Lúc đó, hiện tượng đối lưu không xảy ra được, làm cho lớp không khí sát mặt đất bị ứ đọng, ngưng trệ, các chất ô nhiễm như SO x , CO x , NO x… (chủ yếu do phát xả khí động cơ xe cơ giới và khí bốc lên từ cống rãnh) được tích lũy lại.

Chúng kết hợp với hơi nước trong không khí, tạo ra hiện tựơng sương khói quang hóa hay còn được gọi là sương mù axit. Sương khói thường rất đặc và khi có sương khói thì không có gió. Đây là trường hợp nghịch nhiệt xảy ra tại Hà Nội tối ngày 10/6/2009 (có thể gọi là nghịch nhiệt mát) .

Nhưng khi lớp không khí nóng lục địa tràn về tầng cao của lớp khí quyển, gặp lớp khí sát mặt đất vẫn nóng“nóng tràn nóng” cũng vẫn xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, nhưng phải tạm gọi là nghịch nhiệt “nóng” như hiện tượng mới xảy ra tối 16/6/2010 tại nội thành Hà Nội.

Khi con người bị loại sương mù độc hại này tấn công vào đường hô hấp gây đau rát phổi, giảm khả năng hấp thụ ôxy, gây đau đầu, hôn mê và có thể tử vong. Sương khói vào mắt còn làm đau rát, giảm thị lực. Cây cối bị sương khói làm khô héo lá và có thể chết giống như bị mưa axit.

Cũng cần nói rõ là sương khói quang hóa kết hợp tác động của nhiệt độ cực đoan thường gây nguy hiểm nhất cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và người bị tim mạch.

Một ví dụ điển hình là sương khói quang hoá xuất hiện ở London từ ngày 5 đến 10/12/1952 đã cướp đi sinh mạng của 12.000 người. Sau đó 3 năm (9/1955 ) tại Lusanca (Mỹ) cũng tái diễn kịch bản này, làm cho 400 người (chủ yếu là các cụ già) bị chết.

Trở lại hiện tượng sương khói ở Hà Nội, có thể coi đó là sương mù axit. Nếu kèm theo mưa nhỏ do quá mù (nghịch nhiệt mát) có thể đo được độ pH của nước mưa đáp ứng tiêu chuẩn mưa axit (pH≤ 5.50). Sương khói quang hóa chỉ xảy ra khi trời lặng gió.

Ngược lại khói đốt rơm rạ ngoại thành là loại khói nặng, chứa nhiều hạt vụn than do đốt không triệt để. Nếu không có gió lớn thì khó mà lan xa vào đến nội đô Hà Nội và cũng không thể bao phủ phần lớn diện tích nội đô, chưa nói là khói đốt rơm rạ không tạo ra mưa axit.

Vì thế, không nên cứ thấy sương khói ở trong phố là quy kết cho nông dân ngoại thành đốt rơm rạ được./.

Quang Chính (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục