Khối Sunni rút khỏi đàm phán thành lập chính phủ tại Iraq

Các nghị sỹ Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên minh người Shi'ite.
Khối Sunni rút khỏi đàm phán thành lập chính phủ tại Iraq ảnh 1Tình hình Iraq còn nhiều rối ren. (Nguồn:AFP/ TTXVN)

Ngày 22/8, các nghị sỹ Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên minh người Shi'ite sau khi xảy ra vụ xả súng vào một thánh đường Hồi giáo của người Sunni ở tỉnh Diyala làm hơn 130 người thương vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hai khối nghị sỹ có liên hệ với Chủ tịch Quốc hội Salim al-Jubouri và Phó Thủ tướng Saleh Al-Mutlak đã thông báo quyết định trên.

Hai khối nghị sỹ này yêu cầu khối nghị sỹ người Shi'ite trong Quốc hội giao nộp những kẻ tấn công trong vòng 48 tiếng và đền bù cho gia đình các nạn nhân nếu muốn tiếp tục tiến trình thành lập chính phủ mới.

Nghị sĩ Nahida Daini - một thành viên trong khối chính trị ''Diyala-bản sắc của chúng ta'' của Chủ tịch Quốc hội al-Jubouri - cho biết khối này quyết định rút lui để phản đối tình trạng tái diễn tấn công nhằm vào các đền thờ Hồi giáo của người Sunni ở tỉnh Diyala.

Hiện tại, khối ''Diyala - bản sắc của chúng ta'' còn kêu gọi ''Liên minh các lực lượng quốc gia'' có động thái tương tự nhằm thể hiện sự đoàn kết.

Vụ tấn công xảy ra tại một thánh đường của người Sunni ở thị trấn Imam Wais thuộc tỉnh Diyala, miền Đông Iraq, khiến 70 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.

Giới chức địa phương nghi ngờ thủ phạm là các tay súng thuộc tổ chức 'Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do trước đó IS không ép được hai bộ tộc người Sunni trong khu vực gia nhập lực lượng.

Trong khi đó, các nghị sỹ người Sunni địa phương lại cáo buộc các nhóm dân quân người Shi'ite đứng sau vụ việc để đáp trả vụ đánh bom xảy ra sáng cùng ngày nhằm vào đoàn xe của một thủ lĩnh người Shi'ite địa phương.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ bạo lực đẫm máu, khẳng định ''các vụ tấn công nhằm vào những địa điểm tôn giáo là không thể chấp nhận được và bị cấm theo luật quốc tế.''

Tổng thư ký gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước ảnh hưởng của xung đột sắc tộc đến tình tình an ninh tại Iraq cũng như lộ trình chính trị hướng tới việc thành lập một chính phủ thống nhất có thể giải quyết các mối đe dọa từ IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục