Khơi thông dòng chảy tín dụng: Cần trợ lực từ nhiều phía

Mặc dù nguồn vốn huy động dồi dào nhưng dòng vốn vẫn nằm im trong két các ngân hàng do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.

Sau gần một tháng (18/3) kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ một số mức lãi suất điều hành; trong đó trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-6 tháng xuống mức 6% thay vì 7% trước đó, kỳ vọng kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn của nhiều người dường như vẫn chỉ là “kỳ vọng.”

Trong bối cảnh nguồn vốn huy động đang dồi dào mà đầu ra vẫn khó thì câu chuyện khơi thông dòng vốn lại trở thành đề tài “nóng.”

Cần độ trễ để giảm lãi suất cho vay

Theo khảo sát của phóng viên, ngoài việc hạ mức lãi suất thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì hầu hết các ngân hàng thương mại đều chưa có động thái hạ lãi suất cho vay ở các lĩnh vực khác.

Lý giải của các ngân hàng cho thấy, để hạ lãi suất cho vay cần có độ trễ, bởi lẽ, trước đó ngân hàng vẫn huy động với lãi suất cao hơn.

Nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần lớn chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, nên người dân đang chuyển sang các kỳ hạn dài. Chính vì vậy, ngân hàng vẫn phải trả lãi suất huy động cao hơn mức 6%. Cùng với đó, đầu ra vẫn đang ”bí” nên hiện nay ngân hàng chưa thể tính toán để hạ lãi suất cho vay.

Thực tế, những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vẫn đang được các ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi với mức tương đương lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn khoảng 5-6%/năm. Tuy nhiên, con số này hiện nay không nhiều.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống phổ biến mức 9-11%/năm, bằng với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006; các tổ chức tín dụng tích cực miễn giảm lãi vốn vay, giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ.

Đến nay, tỷ trọng các khoản cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 65% trước thời điểm 15/7/2012; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng trên 300.000 tỷ đồng dư nợ.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chính sách tiền tệ đã làm những gì cần làm và lãi suất cho vay hiện nay không còn là vấn đề đối với doanh nghiệp nữa. Với tình hình hiện nay thì doanh nghiệp chưa biết vay để làm gì và ngân hàng vẫn tiếp tục thừa vốn. Cho nên, dù lãi suất có hạ nữa nhưng không kích cầu thì doanh nghiệp cũng chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Cuộc đua tìm khách hàng tốt

Lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn được các ngân hàng rục rịch hạ từ cuối tháng Hai trong bối cảnh vốn huy động dồi dào nhưng kẹt đầu ra. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng Ba là 1,35% sau hai tháng tăng trưởng âm. Mặc dù mức tăng trưởng trong tháng Ba được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là tín hiệu khả quan, tuy nhiên, con số đó cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Trong vài năm trở lại đây, số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản đã tăng mạnh trong khi con số thành lập mới không nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số doanh nghiệp còn hoạt động hiện nay mà sản xuất kinh doanh tốt không nhiều. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dòng vốn vẫn đang “nằm im” trong két các nhà băng và ngân hàng đang phải “sống” với nỗi lo “ế” vốn.

Điều này đã dẫn đến một thực tế, thay vì chạy đua huy động vốn ở thời điểm tín dụng tăng trưởng ”nóng” thì nay các ngân hàng lại đang chạy đua tìm khách hàng tốt để cho vay. Một nhân viên Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cho biết, trước đây ngân hàng thường áp chỉ tiêu huy động tín dụng cho nhân viên thì nay nhiệm vụ đó được thay bằng tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay.

"Nói chung, nhiệm vụ ngày càng khó bởi trong bối cảnh hiện nay khách hàng tốt khá hiếm, có doanh nghiệp tốt thì ngân hàng nào cũng muốn chào mời nên buộc chúng tôi phải cạnh tranh,” nhân viên này chia sẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, lãi suất huy động tuy có giảm nhưng không thể kỳ vọng tín dụng tăng ngay được và lãi suất không còn là yếu tố quyết định đối với sự sống còn của doanh nghiệp hiện nay. Thực tế đã chứng minh, ở những giai đoạn tín dụng tăng trưởng ”nóng” như những năm 2010-2012, lãi suất cao ngất tới 25-27%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn muốn vay bởi họ nhìn thấy cơ hội làm ra tiền để trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn thừa nhận, hệ thống ngân hàng không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp và càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn.

Vốn tạm thời “chảy” sang trái phiếu

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành (số liệu đến 28/3/2014) với tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng.

Cơ quan này cũng nhìn nhận, trong điều kiện các tổ chức tín dụng chưa thể mở rộng tín dụng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thì việc các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ còn là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản.

Nhìn một cách tổng thể, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong quý 1/2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 701,402 nghìn tỷ đồng, nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng là 5,13%, cao hơn mức tăng 4,5% của cùng kỳ năm trước. Và như vậy, cho dù tiền có được "bơm" vào nền kinh tế nhưng sẽ khó được hấp thụ khi thể trạng các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn "ốm yếu".

Do vậy, để tín dụng tăng trưởng cũng như bảo đảm chất lượng tín dụng là vấn đề không phải một sớm một chiều. Mặc dù ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất có thể, mang lợi ích cho tổng thể nền kinh tế, nhưng tín dụng có ra được hay không lại tùy thuộc vào những vấn đề ngoài khả năng của họ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quá trình này tiếp tục cần sự phối hợp đồng bộ từ phía các giải pháp chính sách vĩ mô khác trong việc đẩy mạnh giải ngân, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như tăng cường hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này để tăng thanh khoản vào nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện lạm phát còn thấp, tín dụng ngân hàng chưa tăng cao; tạo điều kiện cho các dự án FDI triển khai và hoạt động, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cam kết và bố trí đủ vốn đối ứng để giải ngân vốn ODA.

Cùng với đó, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng các quy định liên quan đến xác định đối tượng cho vay, nhu cầu vốn, nguồn vốn, các cơ chế về xử lý rủi ro trong các chương trình tín dụng liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu...

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo, thực hiện cơ cấu sản xuất lúa gạo phù hợp với tình hình thị trường và thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Mặt khác, các địa phương tích cực triển khai mô hình kết nối doanh nghiệp đang triển khai có hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia hỗ trợ nguồn vốn của chính quyền địa phương để cùng với ngân hàng thực hiện cho vay theo các chương trình bình ổn giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục