Khơi thông thị trường, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản

Nhiều giải pháp nhằm khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản đang được các bộ, ngành và địa phương triển khải nhằm giảm thiểu tác động xấu của dịch bệnh SARS-CoV-2 .
Khơi thông thị trường, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản ảnh 1Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. (Ảnh: Vietnam+)

Trước diễn biến của dịch SARS-CoV-2 tiếp tục phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều giải pháp đã được các bộ ngành và địa phương triển khai nhằm khơi thông thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.

Hàng hóa tiếp tục được khơi thông

Theo đại diện Bộ Công Thương, ngày 29/2, tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) các cơ quan chức năng đã làm thủ tục xuất cho 223 xe, chủ yếu là nông sản, hoa quả, hàng may mặc.

[Hà Nội đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch SARS-CoV-2]

Ở chiều ngược lại, tại cửa khẩu này đã tiến hành làm thủ tục nhập cho 289 xe, bao gồm linh kiện điện tử, máy móc, đồ thủy tinh, hàng may mặc, phụ tùng ôtô...

Ước tính trong ngày 29/2 tại của khẩu Hữu Nghị còn khoảng 200 xe chờ xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và linh kiện điện tử. Còn tại cửa khẩu Tân Thanh lượng xe chờ làm thủ tục xuất khẩu khoảng 250 xe nông sản, chủ yếu là Thanh Long, dưa hấu.

Tại tỉnh Lào Cai, trong ngày cuối cùng của tháng Hai đã có 465 xe được thông quan, trong đó xuất khẩu là 272 xe, gồm thanh long 97 xe, còn lại là chuối, dưa hấu và nhập khẩu là 183 xe. Trong khi tại Móng Cái (Quảng Ninh) cũng có 24 xe được thông quan.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo cũng như tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản trong nước.

Còn về phía Trung Quốc, từ ngày 28/2, tất cả các cửa khẩu biên giới Trung Quốc-Việt Nam ở khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đã khôi phục hoạt động hoàn toàn nhờ sự kiểm soát hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

- Giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu ngày 29/2:

Như vậy, với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc trong suốt một tháng qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đang dần được khôi phục, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Đồng bộ nhiều biện pháp

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, tại thị trường nội địa, theo Sở Công Thương Hà Nội, nhiều doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước đã tham gia tích cực trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản cho người dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố đã phối hợp với nhiều địa phương rà soát danh sách sản phẩm nông sản thực phẩm, thủy sản của các doanh nghiệp có nguy cơ dư cung để được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội cũng như giao các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Với một số sản phẩm nông sản của các địa phương vào vụ thu hoạch rộ như: Mận, chuối, nhãn, vải thiều…, trong trường hợp tiếp tục khó tiêu thụ do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ đề xuất Uỷ ban Nhân dân Hà Nội cho phép tổ chức các tuần hàng nông sản giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố theo mùa vụ.

“Sở cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm cần kết nối, hỗ trợ tiêu thụ phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn tới các kênh phân phối,” bà Lan nói.

Về hoạt động xúc tiến đưa hàng nông sản của Việt Nam mở rộng thị trường, trong tháng Hai, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đã tổ chức đoàn gồm 9 doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm và bán buôn các sản phẩm hoa quả tươi (Fruit Logistica) tại Berlin (Đức) theo Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2020.

Cụ thể, tổng giá trị các đơn hàng và hợp đồng mà doanh nghiệp Việt ký kết được tại hội chợ tăng từ 50-100% so với năm ngoái. Dự kiến kim ngạch khoảng 15-20 triệu USD cho các mặt hàng: thanh long, chanh leo, chanh không hạt, bưởi da xanh, khoai lang, xoài cát, vải, vú sữa, chôm chôm… sẽ được các doanh nghiệp tham dự thực hiện từ giờ cho đến cuối năm 2020.

Trong khi đó, để đồng hành cùng doanh nghiệp, các bộ, ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó các tác động của dịch bệnh đến sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Khơi thông thị trường, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản ảnh 2Nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký hợp đồng với địa phương để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai công tác bảo đảm chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Cũng như phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải...

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi rà soát, đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu sang các nước có Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia ký kết trong khu vực thị trường phụ trách. Từ đó đề xuất các thị trường có thể tăng cường xuất khẩu và các biện pháp tiếp tục tận dụng khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định để bù đắp sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của quý 1/2020.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông, thủy sản ở các thị trường thay thế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục