Khởi tố nguyên Giám đốc Sở TN-MT Bình Dương

Ngày 29/10, ông Cao Minh Huệ, 55 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã bị khởi tố và bắt tạm giam.
Ngày 29/10, ông Cao Minh Huệ, 55 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng  về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Cùng bị bắt và khởi tố cũng tội danh trên, với ông Huệ còn có các ông Phan Văn Trung (nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cát, Bình Dương), Đỗ Văn Sâm (cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cát), Nguyễn Thanh Hải (nguyên Giám đốc Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu Sông Bé – Sobexco, được cho tại ngoại do mắc bệnh).

Khám xét nhà riêng của ông Huệ ở số 8/6 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 24, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37 - Bộ Công an) đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan vụ án và niêm phong két sắt chứa 600 triệu đồng.

Theo điều tra ban đầu, do làm ăn thua lỗ, công ty Sobexco do Nguyễn Thanh Hải làm giám đốc đã bán tài sản trên đất (vườn cây cao su) với diện tích 658ha ở xã An Tây (huyện Bến Cát, Bình Dương) để thanh toán nợ (bán làm 2 đợt).

Trong quá trình bán đấu giá, những người mua vườn cây cao su lại được Ủy ban Nhân dân huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sau đó được đền bù đất, tiền khi khu công nghiệp An Tây giải phóng mặt bằng. Việc mua bán này là trái luật đất đai, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của nhà nước.

Ông Cao Minh Huệ với tư cách là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ra các văn bản quản lý đất đai đúng pháp luật.

Mặc dù biết giá bán vườn cao su của Sobexco không tính giá trị đất (người mua vườn cây phải thuê đất) nhưng ông Huệ không đề xuất, tham mưu rõ cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo thuê đất, mà còn giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Bến Cát xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân huyện Bến Cát cấp 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Huệ còn đề xuất cho vợ và 2 con được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 26 ha/người.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải đã ký 36 hợp đồng chuyển nhượng vườn cây cao su trước khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương thông qua quy chế bán vườn cây cao su và ký bán 20ha vườn cao su cho 2 người em của mình với giá trị đền bù 339 triệu đồng.

Đối với Đỗ Văn Sâm và Phan Văn Trung, là những người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù biết rõ giá bán vườn cây cao su không tính giá trị đất, người mua không phải người địa phương thì phải thuê lại nhưng Sâm và Trung này vẫn trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 70 cá nhân (trong đó có người nhà của hai người này).

Hiện Cục C37 đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xác minh các đối tượng có liên quan đến sai phạm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục