Khốn khổ vì gương mẫu đi tái định cư

13 hộ dân là đồng bào dân tộc Êđê ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) hiện đang phải sống trong cảnh khốn khó vì gương mẫu đi đầu đến lập nghiệp tại khu tái định cư buôn Chao.

13 hộ dân là đồng bào dân tộc Êđê ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) hiện đang phải sống trong cảnh khốn khó vì gương mẫu đi đầu đến lập nghiệp tại khu tái định cư buôn Chao.

Sự việc bắt đầu khi trên địa bàn huyện xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ, trong đó có 76 hộ dân ở buôn Bầu thuộc xã EaBá buộc phải di dời toàn bộ vì theo quy hoạch nằm trong vùng ngập nước của lòng hồ.

Để giúp dân đến vùng đất mới và được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân huyện Sông Hinh, Công ty cổ phần thuỷ điện Sông Ba Hạ đã đầu tư 20 tỷ đồng để đền bù, xây dựng khá hoàn chỉnh Khu tái định cư buôn Chao rộng 16ha như đường giao thông, điện, giếng nước, công trình phúc lợi... Mỗi hộ đến đây được cấp 1.400m2 đất ở và 2.000m2 đất làm lúa nước 2 vụ.

Tuy nhiên trong quá trình vận động phần lớn đồng bào ở buôn Bầu không đồng tình vì cho rằng Khu tái định cư buôn Chao xa trung tâm xã, xa chợ, khó khăn trong việc canh tác. Huyện vận động gần một năm, đến 10/2007 chỉ có 13 hộ tiên phong lên khu tái định cư buôn Chao lập nghiệp. Còn lại 63 hộ vẫn nhất quyết không chịu đi.

Ma Ách, Buôn trưởng buôn Bầu cũ - là người đầu tiên lên buôn Chao định cư cho biết: "Mình lên đây định cư chỉ mang theo 5 bao lúa, 9 con bò. Đàn bò thì chỉ thả trong khu tái định cư, không dám thả vào rừng vì đất rừng, đất rẫy xung quanh khu tái định cư đều đã có chủ. Còn ruộng lúa nước được cấp 2 sào (2000m2) nhưng không làm được vì ruộng cao hơn mương, phải chờ đến mùa mưa mới làm lúa được". Đời sống của các hộ khác định cư ở buôn Chao cũng không khác gì cuộc sống gia đình Ma Ách.

Hiện nay, tất cả 13 hộ lên buôn Chao định cư đều sống dựa vào nguồn lương thực có được từ vùng lúa rẫy ở buôn Bầu cũ. Muốn có thực phẩm như cá, mắm, muối… bà con phải đi xuống thị trấn Hai Riêng cách xa gần 20 cây số. Đó là chưa nói đến chuyện học hành cho các cháu.

Trong khi đó, để ổn định cuộc sống của những hộ dân không lên lập nghiệp ở Khu tái định cư buôn Chao, năm 2008, tỉnh Phú Yên chấp thuận đầu tư xây dựng Khu tái định cư buôn Bầu mới rộng 11ha gần buôn Bầu cũ với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng và đến nay toàn bộ 63 hộ đã đến lập nghiệp với những ngôi nhà khang trang. Mỗi hộ được cấp 1.000m2 đất ở và bà con vẫn canh tác trên đất sản xuất cũ vì thực tế khi lòng hồ thuỷ điện Sông Hinh tích nước không ảnh hưởng nhiều đến diện tích này.

Già làng Oi-Giao ở khu dân cư buôn Bầu nói: "Khu tái định cư này tốt rồi, tốt hơn khu tái định cư buôn Chao nhiều lắm. Người dân được canh tác trên rẫy cũ, ở gần đường lớn, gần trường học hơn. Chỉ có khó khăn về nước sinh hoạt thôi." Và khó khăn này cũng đã được giải quyết.

Trưởng ban chỉ đạo các chương trình 134 và 135 huyện Sông Hinh, ông KSor Y Tin cho biết: "Ban chỉ đạo đã đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện hỗ trợ mỗi hộ dân ở khu tái định cư buôn Bầu mới 3,5 triệu đồng để làm giếng nước sinh hoạt."

Trong quy hoạch, Khu tái định cư buôn Bầu có 82 lô đất ở mà mới có 63 hộ định cư, còn thừa 19 lô. Trong khi đó 13 hộ lên lập nghiệp ở khu tái định cư buôn Chao từ năm 2007 đến nay, đời sống quá khổ nên họ có ý định quay về định cư ở buôn Bầu mới. Tuy nhiên, những người dân ở khu tái định cư buôn Bầu mới không đồng ý.

Khi hỏi già làng Oi - Giao, ông cho biết nguyên nhân: "Vì họ bỏ dân làng đi mà. 13 hộ này muốn về ở chung với dân làng thì mỗi hộ phải mổ một con bò cho dân làng ăn để tạ tội (!)" Khi hỏi ông Oi- Giao rằng, đó cũng là đi theo sự vận động, chủ trương của Nhà nước, ông trả lời: "Cả dân làng này cũng làm theo chủ trương Nhà nước(!)" Chính sợ tục làng nên đến nay 13 hộ dân tại khu tái định cư buôn Chao vẫn chưa dám về. Trong khi đó lãnh đạo huyện Sông Hinh vẫn chủ trương giữ nguyên hai khu tái định cư như vậy.

Nay lòng hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ đã tích nước nhưng không biết đến bao giờ cuộc sống của 13 hộ dân gương mẫu kia mới thật sự ổn định? Lời giải của bài toán này xin dành cho lãnh đạo huyện Sông Hinh và tỉnh Phú Yên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục