Không chấp nhận đặt tên na ná với hãng nổi tiếng

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, việc doanh nghiệp đặt tên na ná hoặc trùng một hãng nổi tiếng từ trước là sự bất công, không thể chấp nhận.
Bên lề Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ ASEAN và Châu Âu, ngày 13/1, ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trả lời câu hỏi của phóng viên Vietnam+ về vấn đề tranh chấp thương hiệu của Công ty Vincon và Vincom.

Theo ông Hùng, Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ các nhãn hiệu đã đăng ký và Công ty Vincom đã đăng ký từ trước. Việc một doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu tên là Vincon, thay chữ M bằng chữ N và một điều đặc biệt là cùng sử dụng trong lĩnh vực bất động sản rõ ràng là vi phạm. Và công ty này đã bị thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ xử phạt.

“Luật Doanh nghiệp cũng quy định, tất cả các tên doanh nghiệp đặt ra đều không được vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định,” ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, quy định này rất phù hợp với thời điểm hiện nay, khi mà một số doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn,” không đầu tư nhiều nhưng đặt tên na ná hoặc trùng với một hãng nổi tiếng từ trước. Đây là sự bất công và luật pháp trên thế giới không chấp nhận như vậy.

Trong Luật không bắt buộc phải tra cứu các đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu khi đặt tên doanh nghiệp. Song, đơn vị đặt tên phải chịu trách nhiệm về điều đó và nếu có nảy sinh thì sẽ không được tiếp tục sử dụng tên đó nữa.

“Trong trường hợp của Vincom và Vincon, Cục Sở hữu trí tuệ và Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ sẽ gửi quyết định tới cơ quan chức năng cấp đăng ký kinh doanh để có những điều chỉnh phù hợp,” ông Hùng cho biết.
Về vấn đề tên miền, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết, nếu một tên miền đụng chạm tới một nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc một nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó tại Việt Nam thì sẽ được coi là cạnh tranh không lành mạnh.

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có điều khoản quy định xử lý trường hợp này và bên vi phạm phải đổi tên miền để tránh gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, bảo hộ tên miền còn phức tạp vì nó liên quan đến truyền thông, xuyên biên giới.  Và, “chúng ta có thể xử lý trường hợp ở trên lãnh thổ Việt Nam, còn trường hợp xảy ra ở những sever nằm ngoài Việt Nam thì phải khiếu nại lên tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới và tổ chức cấp tên miền quốc tế để giải quyết,” ông Hùng chia sẻ.

Bởi vậy, ông Hùng khuyên các doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu thì nên đăng ký cả tên miền để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra./.
Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ ASEAN và châu Âu diễn ra từ ngày 13-14/1 tại Hà Nội. Các bên liên quan sẽ thảo luận những biện pháp nhằm mở rộng quan hệ hợp tác. Đặc biệt, Hội nghị sẽ thúc đẩy việc chia sẻ công việc giữa các cơ quan sở hữu trí tuệ, tích hợp kết quả hợp tác giữa các cơ quan này vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế lớn hơn.

Theo Cục trưởng Trần Việt Hùng, Cục Sở hữu Trí tuệ các nước ASEAN sẽ bàn đến chương trình thẩm định sáng chế. Nếu thành công, việc này sẽ giúp tăng năng lực thẩm định của các cơ quan sở hữu trí tuệ mỗi quốc gia.

Cụ thể, nếu một đăng ký sáng chế làm ở 10 nước ASEAN, thông thường cơ quan sở hữu trí tuệ của 10 nước sẽ phải thẩm định. Nhưng nếu một nước làm trước, sau đó sử dụng kết quả thẩm định cho các nước tiếp theo thì sẽ giảm bớt gánh nặng về thẩm định cũng như phương tiện vật chất bỏ ra tiến hành thẩm định đó.

Mỗi năm Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nhận được hơn 3.000 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, 2.000 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và gần 30.000 đơn đăng ký nhãn hiệu. Đơn vị này đã cấp 800 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, hơn 1.200 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và gần 23.000 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục