Không chỉ EVN được tính tiền hiếu, hỷ vào chi phí kinh doanh

Trả lời những thông tin gần đây về việc EVN được tính các khoản chi hiếu, hỷ vào chi phí kinh doanh, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, quy định này được áp dụng với mọi doanh nghiệp chứ không chỉ EVN.
Không chỉ EVN được tính tiền hiếu, hỷ vào chi phí kinh doanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trả lời những thông tin gần đây về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tính các khoản chi hiếu, hỷ vào chi phí kinh doanh, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, quy định này được áp dụng không chỉ với EVN.

Nội dung trên xuất phát từ dự thảo mới về “Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” được Bộ Tài chính ban hành lấy ý kiến rộng rãi trong tuần này.

Trong quy chế mới, cơ quan chức năng có bổ sung chi phí sản xuất kinh doanh của EVN bao gồm cả khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị.

Một số khoản chi khác cũng được tính bao gồm chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, Tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.

Trả lời phóng viên VietnamPlus chiều 18/5 trước những nghi vấn về sự hợp lý của các chi phí trên, ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, những khoản chi có tính chất phúc lợi trên thực tế đã được hướng dẫn cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế từ năm 2014.

Đây là điều theo ông đã được quy định tại nghị định 91/2014/NĐ-CP. Cụ thể, những khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được nhắc tới như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động, chi nghỉ mát,… đều trong "khoản chi thực tế phát sinh liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp."

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, các khoản trên theo quy định hiện tại được khống chế tổng số chi “không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.”

Dẫn giải thêm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc đưa những khoản chi phí trên vào dự thảo "để có hệ thống giúp doanh nghiệp tra cứu khi thực hiện chế độ tài chính không phải tìm nhiều văn bản khác."

“Quy định này áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam,” lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục