Không chồng chéo khi thực hiện Luật Thi hành án

Với những điểm mới, Luật Thi hành án hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 được đánh giá có nhiều ưu điểm, giàu tính nhân đạo.
Hôm nay, ngày 1/7, Luật Thi hành án hình sự với nhiều điểm mới được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là thi hành án tử hình, thay vì xử bắn như hiện nay, người chấp hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc độc.

Bên cạnh những quan ngại sẽ làm giảm tính răn đe của pháp luật trong bối cảnh các loại tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, xuống cấp về đạo đức, thì Luật Thi hành án Hình sự mới thông qua cũng được đánh giá giải quyết được những bất cập, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án Việt Nam.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thi hành án Hình sự trong Công an nhân dân về quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật này.

- Xin Thiếu tướng cho biết cụ thể hơn về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án Hình sự?

Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh: Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án Hình sự ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng 8 Nghị định, 18 Thông tư liên tịch, 14 Thông tư của Bộ Công an và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt 4 đề án.

Trên cơ sở rà soát, lựa chọn thứ tự ưu tiên xây dựng các văn bản quan trọng, trực tiếp là cơ sở thi hành Luật Thi hành án Hình sự, đến nay, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng trên 30 văn bản, đề án, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ các văn bản quy định về thi hành án tử hình sự bằng tiêm thuốc độc, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

- Một trong những điểm mới của Luật Thi hành án Hình sự quy định thi hành án tử hình sẽ được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Xin ông cho biết những ưu điểm của nó so với hình thức xử bắn?

Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh: Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Thi hành án Hình sự, thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Quy định này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn, có tiếp thu có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của nước ngoài, phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Theo đó, người bị thi hành án tử hình ít bị đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn. Ngoài ra, quy trình, công nghệ sử dụng vào việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện. Đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng xử bắn như về pháp trường tổ chức thi hành án, áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án...    

- Nhiều ý kiến quan ngại, việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ không có tính răn đe trong trường hợp có hình thức, mức độ phạm tội nghiêm trọng?

Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh: Thời gian qua, pháp luật hiện hành quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn. Qua thực tiễn cho thấy, bên cạnh tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm cao thì hình thức này cũng đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập.

Vì vậy, việc nghiên cứu thay thế hình thức thi hành án tử hình đã được đặt ra từ nhiều năm nay và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ghi nhận tại các văn kiện của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp.

Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là hình thức mới nên cùng với việc xây dựng các văn bản quy định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, Bộ Công an đã chủ động cử các đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện kỹ thuật, đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ để phục vụ tốt cho việc triển khai thực hiện.

- Theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự, liệu có bảo đảm khả thi khi nhiệm vụ quá nặng khi giao cho lực lượng Công an cấp xã việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú? Mặt khác, công an cấp tỉnh có nhiệm vụ quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giam, tạm giữ, trong khi đó cũng giao trại tạm giam có trách nhiệm trực tiếp quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam có gây ra chồng chéo?

Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh: Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đối với lực lượng Công an cấp xã. Quy định này đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở căn cứ vào khả năng về lực lượng, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác của lực lượng Công an cấp xã, cũng như đặc điểm về đối tượng quản lý, địa bàn quản lý, khắc phục được những hạn chế, tồn tại thời gian qua, tạo cơ chế thuận lợi để thi hành có hiệu quả các hình phạt ngoài phạt tù, tử hình trong tình hình mới.

Hiện nay và trong thời gian tới, Bộ Công an đang củng cố tổ chức bộ máy, bổ sung biên chế, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ cho lực lượng này, tăng cường trang, thiết bị, kinh phí và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng công an cấp xã… Với các điều kiện trên, tôi tin, lực lượng Công an cấp xã sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Theo quy định Luật Thi hành án Hình sự, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trên… Đây là một quy định mới, rất quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.

Luật Thi hành án Hình sự đã quy định cụ thể về ba hệ thống tổ chức để không xảy ra chồng chéo trong chức năng quản lý: cơ quan quản lý Thi hành án Hình sự, cơ quan Thi hành án Hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ Thi hành án Hình sự.

Cơ quan Thi hành án Hình sự cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh quản lý phạm nhân, chỉ đạo công tác Thi hành án Hình sự trên địa bàn cấp tỉnh như hoàn tất thủ tục, hồ sơ và danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo...

Trong khi đó, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan được giao một số nhiệm vụ Thi hành án Hình sự, trại tạm giam có trách nhiệm trực tiếp quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam như bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, thăm gặp thân nhân, nhận quà, chăm sóc y tế đối với phạm nhân theo quy định.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đặng thị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục