"Không có chuyện dồn toa ở những tháng cuối năm"

So với tỷ trọng bình quân cùng kỳ của các năm trước là 55-60% thì mức thực hiện 8 tháng đầu năm nay về tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Chiều ngày 1/9, tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng thực trong hệ thống ngân hàng đã lên tới 11,7% và không có gì khác so những năm trước đây.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với dư địa tăng trưởng tín dụng lớn cộng với việc lãi suất điều chỉnh theo hướng giảm sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và đi ngược lại chủ trương chống lạm phát. Thống đốc Nguyễn Văn Bình dứt khoát: “Tôi xin khẳng định là không! Chúng ta vẫn kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11 là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.”

Nói về dư địa còn nhiều, ông Bình cho rằng, không có gì khác so với kịch bản của các năm trước, đến nay tăng trưởng thực của hệ thống ngân hàng là khoảng 11,7%. Thống đốc đưa ra giả định rằng năm nay chúng ta thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, có thể là 18% thì đến thời điểm này đã thực hiện được hơn 70% kế hoạch. Con số này so với con số bình quân của các năm trước thì lại cao hơn (cùng thời điểm này các năm trước bình quân tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 55-60%).

Thống đốc cho rằng, ở đây không có biểu hiện là sẽ bị dồn toa ở những tháng cuối năm, những gì diễn ra hiện nay hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Mặc dù Chính phủ nói rằng tăng trưởng tín dụng dưới 20% nhưng không nhất thiết là phải sử dụng hết con số này vì tăng trưởng tín dụng phải tương đối với mục tiêu đã đặt ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trả lời câu hỏi liệu giảm lãi suất có ảnh hưởng gì đến lạm phát hay không? Thống đốc cho biết, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có đưa ra nhận định là sẽ giảm được lãi suất, đây là theo đúng diễn biến của bản thân nội tại nền kinh tế chứ không phải ý kiến chủ quan của những người làm chính sách. Ngân hàng Nhà nước thấy lạm phát bắt đầu có biểu hiện giảm xuống, thanh khoản của các ngân hàng đã tốt lên, nên đây là mấu chốt để lãi suất giảm.

Thống đốc cũng cho rằng, nếu để lãi suất cao như hiện nay thì các tổ chức tín dụng cũng không dễ gì cho vay ra được, cho nên mục tiêu giảm lãi suất là đòi hỏi bức xúc, đòi hỏi thiết thực của bản thân nền kinh tế, trong đó có cả hệ thống các ngân hàng thương mại, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp.

"Chúng tôi cho rằng, với các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, nhất định trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực trong mặt bằng lãi suất nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát và hai điều này không có gì mâu thuẫn với nhau," Thống đốc nhận định.

Tại cuộc họp báo, có ý cho rằng lạm phát tăng cao là được bắt nguồn từ nguyên nhân tiền tệ, Thống đốc đồng thời cũng khẳng định, trong vấn đề lạm phát có vai trò của yếu tố tiền tệ, song trong từng thời điểm cụ thể, ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến tình hình lạm phát có thể khác nhau.

Đến nay CPI đã tăng 15% và so cùng kỳ năm ngoái, tăng khoảng 22% và kỳ vọng đến cuối năm sẽ tăng 18% so cuối năm 2010. Trong đó, lạm phát cơ bản (đã loại trừ các yếu tố giá cả hàng hóa khác hay các yếu tố có biến động bất thường) trong 8 tháng đầu năm là 8,3%, so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 13%. Phần lạm phát cơ bản mới do chính sách tiền tệ gây ra, còn lại là do các yếu tố khác./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục