“Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp lên sân khấu

Truyện ngắn “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp sẽ chính thức ra mắt khán giả yêu sân khấu với cái tên “Nhà có 5 anh em trai.”
Truyện ngắn “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ chính thức ra mắt khán giả yêu sân khấu vào ngày 12/8 tới, với cái tên đầy chất tâm lý xã hội “Nhà có 5 anh em trai,” kịch bản của nữ tác giả Nguyễn Thu Phương, do Đoàn kịch I (Nhà hát Tuổi trẻ) dàn dựng, biểu diễn.

Nghệ sĩ ưu tú Anh Tú sẽ lại tiếp tục cống hiến tài năng đạo diễn cho vở kịch đặc sắc về khát vọng hạnh phúc gia đình, trên cơ sở truyện ngắn này sau thành công của vở “Sang sông.”

Theo thông tin từ Nhà hát Tuổi trẻ, đây là lần thứ 2 tác giả Nguyễn Thu Phương hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ. Vào năm 2006, Nhà hát đã dựng và biểu diễn thành công kịch bản “Nhà có 3 chị em gái” của tác giả này. Cũng trong năm 2006, Nguyễn Thu Phương bắt tay viết kịch bản “Nhà có 5 anh em trai” nhưng được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng với cái tên “Xuân tím.”

Với bản dựng của Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sĩ ưu tú Anh Tú cho biết sẽ đi sâu vào những 5 “cái tôi” của 5 anh em ruột thịt trong một gia đình với biết bao đố kỵ, ẩn ức riêng tư, ghen ghét, mưu mô nhưng cũng tràn đầy sự cảm thông, chia sẻ.

Dưới bàn tay của đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Anh Tú , người xem thấy được những góc khuất trong cuộc sống của những người dân nơi thành phố xa hoa. So với nguyên mẫu thì kịch bản của nữ tác giả Nguyễn Thu Phương có những điểm khác biệt.

Nếu như trong “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp 5 anh em trai có những cái tên nghe đậm chất triết học phương Đông: Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn, còn ở vở “Nhà có 5 anh em trai” thì tác giả chọn những cái tên hiện đại, gần với đời thường hơn: Sĩ, Tình, Dân, Phúc, Đức.

Trong truyện có ông bố tên Kiền thì trong vở kịch đổi vai thành “bà mẹ” của 5 con trai…cùng nhiều tình huống, chi tiết cũng được đổi khác.

Chuyện của 5 người đàn ông bắt đầu từ lúc anh cả Sĩ cưới vợ là cô Xuân, nhân vật trung tâm của vở diễn đã khiến cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ 5 anh em biến động, từ những biến động đó có thể thấy rõ nét tính cách, mưu mô, tính toán, tình cảm của mỗi người, kể cả bà mẹ. Nhưng không vì nhân vật nữ là chính mà tác giả kịch bản, đạo diễn quên chăm chút, tạo cá tính, đất diễn cho 5 nhân vật nam.

Vào tháng 7/2011, nghệ sĩ ưu tú Anh Tú đã “bắt tay” với nhà văn Hữu Ước làm vở hài kịch “Sếp rởm” rất thành công, thu hút đông đảo khán giả.

Trước đó, anh cũng mạnh dạn làm vở diễn thử nghiệm “Sang sông” trên cốt truyện cùng tên của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Anh cũng gây được cảm tình với khán giả, giới chuyên môn khi dựng thành công vở “Cô gái đội mũ nồi xám” của cố tác giả Lưu Quang Vũ…/.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục