Không dám tố cáo bọn buôn người

Tết này là một cái tết đầm ấm nhất của những phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài vừa được giải cứu về gia đình. Câu chuyện của họ luôn thấm đẫm nước mắt khi kể về những tháng ngày bị đọa đày nơi xứ người.

Tết này là một cái tết đầm ấm nhất của những phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài vừa được giải cứu về gia đình. Câu chuyện của họ luôn thấm đẫm nước mắt khi kể về những tháng ngày bị đoạ đày nơi xứ người.

Nguyễn Thị L. (20 tuổi) sau 7 tháng lưu lạc nơi đất khách quê người, đã trốn thoát và được sự hỗ trợ của Văn phòng AFESSIP Việt Nam với tổ chức Tenaganita (Malaysia) thuộc mạng lưới AAT (Liên minh Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em Đông Nam Á) đưa về gia đình vào những ngày cuối năm 2008.

Là con gái út trong gia đình nghèo ở ấp 10 B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu để có tiền giúp đỡ gia đình, L đi làm công nhân cho một xí nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng tháng 7/2007, trên đường về thăm quê, trong lúc ngồi quán uống nước chờ người nhà ra đón, L gặp một người phụ nữ đến lân la làm quen. Bằng thủ đoạn tinh ranh, người phụ nữ này đã nhanh chóng biết được hoàn cảnh gia đình, biết được tâm sự của L.

Người phụ nữ đã tự giới thiệu tên Lệ ở thành phố Cần Thơ. Bà Lệ rủ rê L., nếu muốn đi lao động hay lấy chồng ở nước ngoài thì bà ta giúp đỡ. Bà Lệ đưa cho L. số điện thoại của mình rồi dặn L khi làm hộ chiếu và giấy độc thân xong lên Cần Thơ gặp bà. Sau đó, L được bà Lệ mua vé máy bay đi từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Singapore.

Ngay tại sân bay, có một nhóm người đón sẵn để đưa L về nhà của bà Loan (là chị bà con với Lệ) để cho khách xem mặt và làm giấy kết hôn. Và tại đây, các giấy tờ của L. bị bà Loan cất giữ. Khoảng 30 ngày, L. được thông báo có người cưới rồi có một chiếc xe đưa L về nhà chồng ở một đồn điền trồng cọ thuộc vùng sâu của Malaysia. Bắt đầu từ đây, L. bị bán "làm vợ", làm kẻ nô lệ mà chỉ nhận được vài triệu đồng, trong khi bà Loan, kẻ bán L. nhận được gần một trăm triệu đồng.

Gần 7 tháng ở nhà chồng, L. đã khóc không biết bao nhiêu lần đến không còn nước mắt để khóc. Chồng L. là một người tâm thần, gia đình chồng đối xử với L. rất hà khắc. Hàng ngày L. phải làm những công việc rất nặng nhọc, có lúc L. bị ngã và bị thương nhưng vẫn phải trồng rau và làm việc nhà đến 2 giờ đêm.

L. thường bị nhà chồng cho ăn không đủ no, cơm không có thức ăn và không được nghỉ ngơi khi bị đau ốm. Cho đến khi L. gặp được người tài xế taxi tốt bụng giúp đỡ đưa đến nhà của một phụ nữ Việt đang làm dâu ở đây để đưa đến Đại sứ quán Việt Nam.

Tương tự là trường hợp của em Đỗ Kim N. (19 tuổi, ngụ ở thị xã Bạc Liêu) được tiếp nhận đưa về gia đình tháng 11/2008. N. đi làm cho một quán nhậu ở huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Ban đầu N. bị một người phụ nữ đến dụ dỗ bán chịu cho mỹ phẩm, quần áo, vòng vàng… Sau đó, số tiền thiếu lên đến trên chục triệu đồng thì N bị xiết nợ. Không có tiền trả, người phụ nữ này dụ dỗ N. đi qua Lào làm tiền nhiều hơn. Rồi bà ta lấy giấy tờ của N. để làm hộ chiếu.

Khi N. qua Lào mới biết mình bị bán vào một ổ mại dâm. Lợi dụng lúc chủ chứa sơ hở, N. đã trốn thoát về Việt Nam. Và thêm một lần nữa, N. bị bắt cóc đưa qua Lào. Lần này N. may mắn được cơ quan chức năng phát hiện đưa về.

Ông Trương Minh Chánh, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống Tai nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Bạc Liêu, cho biết hầu hết các nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài thuộc gia đình nghèo, trình độ học vấn thấp, ở xã vùng sâu, vùng xa. Thực tế còn nhiều nạn nhân vì mặc cảm, an phận đã không dám tố cáo những kẻ đã bán mình./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục