Không đạt bước đột phá về cắt giảm khí thải

Kế hoạch của Liên hợp quốc về đưa ra một thỏa thuận mới chống biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto vào cuối năm 2009 có thể gặp nhiều khó khăn khi Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 (COP 14) kéo dài 12 ngày qua ở Poznan, Ba Lan kết thúc sáng 13/12 đã không đạt bước đột phá nào về các quy định cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Kế hoạch của Liên hợp quốc về đưa ra một thỏa thuận mới chống biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto vào cuối năm 2009 có thể gặp nhiều khó khăn khi Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 (COP 14) kéo dài 12 ngày qua ở Poznan, Ba Lan kết thúc sáng 13/12 đã không đạt bước đột phá nào về các quy định cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại hội nghị, các nước tham gia Nghị định thư Kyoto, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn (trừ Mỹ chưa tham gia), cho rằng vào năm 2020 các nước giàu cần phải cắt giảm từ 25-40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990. Tuy nhiên, một số nước và các tổ chức môi trường lại cho rằng quy định này là không rõ ràng. Các nước đang phát triển kêu gọi các nước giàu đi tiên phong trong cuộc chiến này và bác bỏ việc đặt các mục tiêu giảm khí thải mang tính ràng buộc.

Các bộ trưởng môi trường và quan chức của gần 190 quốc gia chỉ nhất trí thông qua một kế hoạch làm việc nhằm xúc tiến cuộc đàm phán để có thể cho ra đời một hiệp mới về chống biến đổi khí hậu trong hội nghị ở Copenhagen, Đan Mạch tháng 12/2009. Theo đó, vào đầu năm tới, 192 nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) sẽ phải đưa ra các đề nghị cho hiệp ước mới. Các nước sẽ thảo luận các đề nghị này tại cuộc họp ở Bonn, Đức vào tháng 6/2009, sau đó sẽ tiến hành thêm vòng đàm phán nữa vào tháng 8 hoặc tháng 9 trước khi tới Copenhagen.

Hội nghị Poznan đã "bật đèn xanh" cho việc lập Quỹ Thích nghi, một cơ chế nhằm cung cấp tài chính giúp các nước nghèo đối phó với những tác động từ sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển liên quan đến việc lập quỹ này và đây cũng là nguyên nhân khiến hội nghị phải kéo dài thời gian họp hơn so với dự kiến kết thúc vào ngày 12/12. Ngoài ra, hội nghị Poznan đã nhất trí được một số vấn đề nhỏ khác như biện pháp bảo vệ rừng, chuyển giao công nghệ sạch cho các nền kinh tế đang phát triển...

Tuy nhiên, việc không đạt được sự nhất trí nào về vấn đề cốt lõi là mục tiêu cắt giảm khí thải đã làm dấy lên những phỏng đoán cho rằng các nước sẽ ngày càng khó khăn hơn trong tiến trình xây dựng một bản hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm tới như dự kiến. Đại diện Trung Quốc tại hội nghị tỏ ý thất vọng về việc không đạt được tiến triển nào tại Pozan, thậm chí một số vấn đề cụ thể vẫn "dậm chân tại chỗ". Đại diện Nam Phi cho biết vấn đề này thậm chí còn gây căng thẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Các tổ chức môi trường cũng hết sức thất vọng về kết quả của hội nghị. Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) cho rằng hội nghị đã bỏ lỡ một cơ hội lớn cho việc thống nhất cách thức chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục