Không để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu thông tin

Mảng thông tin hướng tới vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được coi trọng và trở thành một trong những đề tài trọng điểm trong thông tin của Thông tấn xã Việt Nam
Không để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu thông tin ảnh 1Đời sống tinh thần, vật chất của bà con vùng cao ngày càng được nâng cao. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Mảng thông tin hướng tới vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được coi trọng và trở thành một trong những đề tài trọng điểm trong thông tin của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong suốt 69 năm ra đời và phát triển.

Thông tin trên được ông Lê Duy Truyền, Phó Tổng Giám đốc TTXVN đưa ra tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thông tin của TTXVN tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” được tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội.

Đa dạng loại hình, nội dung thông tin

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được cải thiện rõ rệt. Việc cung cấp thông tin cho đồng bào được tăng cường để thông tin ngày càng kịp thời, sâu rộng và đúng định hướng chính trị, tư tưởng hơn, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo vệ an ninh, quốc phòng...

Theo ông Lê Duy Truyền, các chuyên trang, chuyên mục về vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên các sản phẩm thông tin của TTXVN cung cấp cho các cơ quan báo chí và cung cấp trực tiếp cho công chúng trong và ngoài nước ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, từ hơn 20 năm nay, TTXVN đã phát hành những ấn phẩm chuyên phục vụ vùng dân tộc thiểu số và miền núi như các bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi (tiền thân của tờ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ ngày nay, với 8 ngữ đang phát hành và sẽ tăng lên 11 ngữ từ năm 2015). Ngoài ra, Báo Tin tức là một trong số các tờ báo, tạp chí cấp phát miễn phí cho cán bộ vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, các đồn biên phòng trong toàn quốc...

Ông Lê Duy Truyền cho rằng, các tờ báo, tạp chí được cấp phát đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin về mọi mặt của đồng bào và là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân trong vùng. Bên cạnh đó, các loại hình truyền thông này góp phần tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con và là các kênh thông tin để chuyển tải ý kiến, kiến nghị của bà con tới chính quyền; kịp thời định hướng dư luận đối với những thông tin sai lệch của các thế lực thù địch…

Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) nhận định, TTXVN là cơ quan thuộc Chính phủ có bề dày, kinh nghiệm hoạt động trên lĩnh vực tuyên truyền được Đảng, Nhà nước, các tổ chức và công chúng ghi nhận và đánh giá cao.

Theo ông Thanh, sau gần ba năm thực thiện chính sách cấp báo miễn phí cho vùng khó, Báo Tin Tức được đánh giá là tờ báo có nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền hay, dễ đọc, dễ hiểu, sát với thực tế và đặc biệt là phù hợp với nhận thức của người dân. Ngoài ra, báo có có nhiều bài phản ánh, phê phán những hiện tượng tiêu cực để cho dư luận xã hội biết và đồng tình ủng hộ việc chống tiêu cực, chống lãng phí góp một phần vào việc xây dựng vùng dân tộc thiểu số phát triển nhanh, bền vững, đẩy lùi các tệ nạn xã hội…

Cần khảo sát nhu cầu của người dân

Mặc dù được đánh giá cao, nhưng ông Lê Duy Truyền cho rằng, thông tin dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như thông tin về các vùng này của các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có TTXVN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đồng bào cũng như yêu cầu thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta đối với các vùng chiến lược này.

“Thực hiện chủ trương tăng cường đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, Ban lãnh đạo TTXVN xác định rõ cần phải tiếp tục đổi mới trong cách tiếp cận, truyền tải thông tin cho phù hợp với trình độ dân trí, phong tục tập quán, ngôn ngữ của từng dân tộc, từng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả của mảng thông tin về và tới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin tuyền truyền trong tình hình mới,” ông Truyền nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Hợp, Trưởng Ban biên tập Tin đối ngoại nhận định, TTXVN đang nỗ lực đưa thông tin tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu kỹ hơn về mức độ tiếp nhận thông tin của đồng bào qua việc tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân để cải tiến nội dung, hình thức thông tin cho phù hợp.

Tổng biên tập Báo Dân tộc và Miền núi Trần Quốc Khánh cho rằng, cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới chuyên trang, chuyên mục, tổ chức trang báo, cân đối vùng miền để nội dung thông tin bám sát hơn thực tiễn và nhu cầu thông tin của đồng bào, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cần củng cố đội ngũ cộng tác viên, phát triển cộng tác viên tại các địa phương, đặc biệt là những cây bút, tay máy là người dân tộc thiểu số…

Theo ông Chu Tuấn Thanh, hiện nay đồng bào dân tộc và người thụ hưởng các ấn phẩm báo chí có nhu cầu đòi hỏi hơn về tăng cường cập nhật nhiều thông tin hơn nữa về các vấn đề liên quan đến vùng dân tộc, phản biện dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần giới thiệu tôn vinh những gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc, khai thác cuộc sống vật chất, tinh thần, tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt thông tin của mỗi bài viết là một cẩm nang hướng dẫn tập huấn cho người dân.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh nội dung thông tin cần ngắn gọn, dễ hiểu, nhớ lâu làm cho đồng bào các dân tộc thay đổi dần về nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm thúc đẩy việc giảm nghèo với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư để tạo cho người dân tự chủ, tự lực làm giàu chính trên đôi tay khối óc của mình.../.

Theo ông Lê Duy Truyền, các chuyên trang, chuyên mục về vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên các sản phẩm thông tin của TTXVN cung cấp cho các cơ quan báo chí và cung cấp trực tiếp cho công chúng trong và ngoài nước ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng.

Tham gia sản xuất thông tin về vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tất cả các đơn vị thông tin chủ chốt của TTXVN, như Ban biên tập Tin trong nước, Ban biên tập Ảnh, Ban biên tập Tin đối ngoại, Ban biên tập Tin Kinh tế, Truyền hình Thông tấn; gần 10 ấn phẩm báo và tạp chí như Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh VN, Thể thao và Văn hóa, Khoa học và Công nghệ…; hơn 10 báo điện tử và trang web như VietnamPlus.vn và các trang web của các báo, tạp chí in với đội ngũ gần 100 nhà báo thường trú tại các tỉnh và hàng trăm lượt phóng viên lặn lội tới các vùng xa xôi, khó khăn nhất của đất nước…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục