Không điều chỉnh tuổi đảng viên trong hồ sơ gốc kể từ ngày 18/8

Theo thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên, từ ngày 18/8/2016 sẽ không xem xét điều chỉnh tuổi đảng viên trong hồ sơ đảng viên (hồ sơ gốc) khai khi vào Đảng.
Không điều chỉnh tuổi đảng viên trong hồ sơ gốc kể từ ngày 18/8 ảnh 1Trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho các đảng viên lão thành. (Ảnh minh họa: Thanh Hòa/TTXVN)

Tối 17/8, các cơ quan báo chí đã thông tin rộng rãi Thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên.

Theo thông báo, kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Kết luận này của Ban Bí thư đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm công tác tổ chức, cán bộ đón nhận với sự đồng tình cao.

Tạo sự nhất quán trong công tác cán bộ

Ông Lê Văn Thái, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn.

Ông Lê Văn Thái chia sẻ trong những năm qua, trong công tác cán bộ đã gặp một số trường hợp cán bộ là đảng viên có ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ cán bộ khác ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ đảng viên. Việc này có nhiều lý do.

Chính vì vậy, trong Hướng dẫn số 01 ngày 5/1/2012 về một số vấn đề thi hành Điều lệ Đảng của Ban Bí thư, mục 8.2 về yêu cầu quản lý hồ sơ đảng viên, đã có biện pháp, hướng dẫn xử lý khớp lại năm sinh. Khi đảng viên có đề nghị về sửa tuổi trong hồ sơ đảng viên thì chuyển đơn và hồ sơ, tài liệu kèm theo đến cấp ủy cơ sở, cấp cơ sở đồng ý sẽ chuyển lên cấp trên trực tiếp xem xét quyết định.

Căn cứ vào giấy khai sinh gốc hoặc vào lý lịch tư pháp của người cán bộ, đảng viên đó, tổ chức đảng ra quyết định sửa tuổi trong hồ sơ đảng viên cho khớp với lý lịch công tác. Điều này nhằm thống nhất tuổi trong hồ sơ cán bộ và hồ sơ đảng viên, tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng lạm dụng việc chỉnh sửa tuổi để có lợi khi chuẩn bị nghỉ hưu hoặc khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Có ​người "bỗng nhiên" tìm thấy giấy khai sinh gốc cung cấp cho cấp ủy hoặc chủ động sửa hồ sơ tư pháp: Giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh thư và các loại giấy tờ khác, rồi đề nghị tổ chức Đảng sửa tuổi đảng viên trong hồ sơ đảng. Có trường hợp sửa tăng lên, có trường hợp sửa giảm đi, không phải tất cả các trường hợp được sửa theo hướng trẻ đi. Việc chỉnh sửa này gây khó khăn cho công tác cán bộ, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Ông Lê Văn Thái cho rằng Kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên có ba điểm rất quan trọng:

Thứ nhất, kết luận khẳng định từ ngày 18/8/2016 sẽ không xem xét điều chỉnh tuổi đảng viên trong hồ sơ đảng viên (hồ sơ gốc) khai khi vào Đảng, tuổi của đảng viên được tính theo hồ sơ gốc.

Thứ hai, đó là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Thứ ba, Ban Bí thư giao cấp ủy các cấp triển khai, phổ biển đến chi bộ. Chủ trương này hết sức đúng đắn, khoa học và hợp lý vào thời điểm hiện nay, thể hiện ở những điểm sau: Khi vào Đảng, nhận thức của cán bộ đó đã trưởng thành, đây là hồ sơ do người cán bộ đó tự khai; tuổi do người cán bộ đó khai trong hồ sơ đảng viên khi nhận thức đã trưởng thành, cần phải tôn trọng điều đó. Chủ trương này rất kịp thời để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng sửa tuổi, hạ tuổi.

Kết luận về việc xác định tuổi đảng viên có ý nghĩa quan trọng đối với công tác cán bộ. Thực tế thời gian qua, đôi khi những người làm công tác cán bộ gặp khó khăn khi tham mưu giải quyết các trường hợp này, khi đảng viên chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về mặt lý lịch tư pháp, các giấy tờ tùy thân, trong quy định cho phép như vậy. Kết luận này của Ban Bí thư tạo sự nhất quán trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một vấn đề là phải có những bước tiếp theo. Ví dụ như thực hiện chính sách khi cán bộ về hưu phải căn cứ vào tuổi đảng viên, nhưng tuổi trong lý lịch cán bộ, trong sổ bảo hiểm của người đó khác với tuổi trong hồ sơ đảng viên. Việc này sẽ liên quan đến nhiều cơ quan khác trong thực hiện chính sách cán bộ, cần phải có hướng xử lý. Những vấn đề đó sẽ giải quyết được trên cơ sở Kết luận này.

Kết luận khẳng định chủ trương của Đảng công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Việc này sẽ giúp chấm dứt được một trong số cái "chạy" là "chạy" tuổi, hiện tượng này đang gây bức xúc trong đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, việc thực hiện theo kết luận này sẽ tạo thuận lợi cho công tác tổ chức cán bộ.

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng “chạy” tuổi

Từ góc nhìn của người làm công tác tổ chức-cán bộ, bà Vũ Thị Hiên, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng Kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên là rất đúng đắn, cần thiết đối với công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, kiên quyết chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng “chạy” tuổi của những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, mưu lợi cá nhân.

Bởi trên thực tế, trước khi được đưa vào diện xem xét quy hoạch hoặc đề bạt, bổ nhiệm, có cán bộ đã khai lại hoặc điều chỉnh lại ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ gốc cho phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Nếu không có hồ sơ gốc đảng viên làm căn cứ sẽ rất khó khăn cho công tác tổ chức-cán bộ khi lựa chọn, đánh giá đúng cán bộ để đưa vào quy hoạch hoặc xem xét đề bạt, bổ nhiệm.

Cũng có hiện tượng, trước khi nghỉ hưu hưởng chế độ, một số cán bộ lãnh đạo đã điều chỉnh lại năm sinh trong hồ sơ gốc để được kéo dài thời gian công tác. Việc làm đó đã gây khó khăn cho công tác cán bộ trong việc tạo nguồn cán bộ kế cận, gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ khi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Bà Vũ Thị Hiên cho rằng việc xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng là căn cứ chính xác nhất, hợp lý nhất, là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Tăng cường quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm chính

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng Kết luận của Ban Bí thư là kịp thời, xuất phát từ thực tế để ngăn chặn tình trạng gian lận tuổi trong cán bộ, đảng viên. Đây còn là quyết tâm của Đảng để ngăn chặn mầm mống của vụ lợi, có thể là cả tham nhũng, tăng cường quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên trong sạch, liêm chính. Các cơ quan Đảng, Nhà nước khi gặp những trường hợp như vậy phải xử lý thận trọng, nghiêm túc, có trách nhiệm trong xác minh lý lịch của cán bộ, công chức để tránh gian lận.

Theo tiến sỹ Đinh Văn Minh, việc xác minh lý lịch, tuổi của đảng viên không hề khó nếu về địa phương, nơi cư trú... nhưng vẫn có tình trạng các cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào các giấy tờ chứng nhận, trong khi đó, khâu xác minh, xác thực lý lịch, cấp đổi chứng minh thư, hộ khẩu vẫn còn hạn chế. Kết luận của Ban Bí thư xuất phát từ thực tế có vấn đề "chạy" chức, "chạy" quyền, "chạy" tuổi. Mà muốn "chạy" tuổi thì phải sửa lý lịch.

Thực tế là không phải tự nhiên người ta gian lận tuổi mà đều phải có lý do, mục đích. Gian lận tuổi chưa chắc đã là để tham nhũng. Tuy nhiên, đây là điều kiện để họ kéo dài cơ hội, thời gian đảm nhiệm chức vụ, thời gian công tác để có thể vụ lợi.

Vấn đề này có nguyên nhân lịch sử vì ở Việt Nam, do chiến tranh, chuyển công tác, cán bộ, chiến sỹ, đảng viên tham gia cách mạng phải thay tên, đổi họ, phải đổi ngày, tháng, năm sinh, lý lịch... Cùng với việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu, cấp đổi chứng minh thư nhân dân vẫn còn hạn chế nên dẫn đến những trường hợp "chạy" tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục