Không được “cưỡng bức”!

Nhà mạng không được “cưỡng bức” khách hàng!

Người Việt có câu “của cho không bằng cách cho,” vì thế, việc bỗng dưng phải nhận dịch vụ của nhà mạng gây bức xúc cho người dùng.
Người Việt từ xa xưa có câu “của cho không bằng cách cho,” vì thế, việc “bỗng dưng phải dùng” dịch vụ của các nhà mạng đã gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Sợ “quà” từ nhà mạng

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, anh Nguyễn Văn Thành (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, gần đây, nhà mạng Mobifone mà anh đăng ký tự động cài đặt nhạc chờ vào điện thoại của anh. Tuy nhiên, đó là những thứ nhạc “không thể chịu đựng nổi.”

Anh cũng cho biết, hình như khi tự tiện “gắn” nhạc chờ vào điện thoại, nhà mạng có nhắn tin thông báo. Song, vì nhận được quá nhiều những tin “spam” như vậy, nên chỉ nhìn đầu số là anh đã xóa đi, không đọc tin.

Cùng chung nỗi bức xúc với anh Thành, chị Nguyễn Thị Loan (Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho hay chị dùng cả hai số điện thoại của VinaPhone và MobiFone. Đã có tuổi, chị không hề thích điện thoại của mình có nhạc chờ, nhất lại là kiểu "xì-tin".

“Bản thân tôi không thích nghe nhạc chờ khi gọi cho người khác, nên cũng sợ người khác không thích nghe nhạc chờ của mình. Hơn nữa, thứ nhạc nhà mạng cài cho tôi không hợp với tuổi tác, sở thích và công việc,” chị nói.

Song, chị Loan cũng cho biết, VinaPhone còn nhắn tin cho chị biết cách mà hủy dịch vụ khi không muốn. Còn muốn hủy dịch vụ MCA của MobiFone, chị phải hỏi tổng đài hoặc tìm kiếm trên Internet để có được cú pháp gửi câu lệnh HUY về 9232. Song, do là thuê bao trả trước, mỗi phút gọi cho tổng đài 9244, tài khoản trong điện thoại của chị Loan bị trừ 200 đồng.

Rõ ràng, dù không muốn thì khách hàng cũng phải nhận món quà lại từ trên trời rơi xuống. Họ phải mất tiền mới “tống khứ” món quà ấy ra khỏi chiếc điện thoại của mình. Và với kiểu nhắn tin thông báo “tiền trảm hậu tấu” như vậy, vô hình chung nhà mạng sẽ thu được một khoản tiền, còn khách hàng thì chỉ mua cái bực vào người.

Trong thông cáo giải thích sự việc MCA, MobiFone cũng giải thích: “Do cấu trúc của tin nhắn thông báo không được vượt quá 160 ký tự nên mọi thông tin chi tiết về chương trình cần liên lạc với tổng đài 9244.”

Thế nhưng, khi đọc lại tin nhắn và “đếm từng chữ,” nhiều người rất dễ nhận thấy nhà mạng này chưa tận dụng hết 160 ký tự của mình. Hoặc, nếu thay dòng tin: ‘Liên hệ 9244 để biết cú pháp hủy DV MCA’ bằng câu: ‘Để từ chối, soạn HUY gửi 9232’ còn ít ký tự hơn.

Không được cưỡng bức!

Tự nhận là một “nạn nhân” của việc “bỗng dưng có nhạc chờ,” Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho hay: “Một người gọi đến điện thoại của tôi và hỏi: ‘tại sao anh lại có thứ nhạc chờ lạ vậy?’” Và, ông Bình cũng giật mình khi tự mình gọi vào số điện thoại của mình để kiểm tra và nghe tiếng nhạc không phù hợp.

Theo ông Bình, việc bán hàng, quảng cáo rõ ràng cần nhiều “chiêu thức.” Tuy nhiên, nhà mạng “cần tôn trọng quyền của người tiêu dùng chứ không được cưỡng bức” như vậy.

Của cho không bằng cách cho, lợi ích phải dựa trên cơ sở mong muốn, chứ không phải cưỡng ép. Từ đó, ông Bình cho rằng đây là một trong những dạng độc quyền, độc đoán của các hãng viễn thông.

Cũng theo ông, hiện nay khách hàng đang bị “bội thực” tin nhắn rác của nhà mạng. Đấy là còn chưa kể đến việc hàng ngày phải nhận rất nhiều tin nhắn rác khác từ các công ty chuyên "spam.”

Vị Tiến sĩ tâm lý này cũng nói, các nhà mạng cần “bỏ tất cả các hình thức đó đi” và hãy làm dịch vụ cho thật tốt để người tiêu dùng tự chọn lấy dịch vụ cho mình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì cho biết, ông không hề đồng tình với cách “spam” của nhà mạng. Bản thân ông cũng là nạn nhân của những tin nhắn rác, và trong lúc bận, ông đóng ngay tin khi nhìn thấy đầu số của nhà mạng chứ không đọc để đỡ tốn thời gian.

Ông Hùng nói đã có kiến nghị với Tổ soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có những biện pháp bảo vệ quyền lợi của khách hàng./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục