Không lựa chọn, không Brexit cho Vương quốc Anh?

Sự thất bại của Anh trong việc tạo ra một “sự ra đi đầy ý nghĩa khỏi EU” sẽ là lần đầu trong lịch sử hiện đại, một quốc gia lớn có chủ quyền bị buộc phải ở lại trong một liên minh tự nguyện.
Tuần hành phản đối Brexit tại London, Anh ngày 23/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuần hành phản đối Brexit tại London, Anh ngày 23/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nỗ lực không mệt mỏi của Vương quốc Anh để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là vấn đề Brexit, đã tái hiện 2 sự mơ hồ mà thế giới từng chứng kiến kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh: Chủ quyền quốc gia và Hội nhập kinh tế, hai điểm cuối của lịch sử, theo bài luận nổi tiếng năm 1989 của triết gia người Mỹ Francis Fukuyama.

Theo bài viết mới đây trên trang mạng project-syndicate.org, về mặt pháp lý, thế giới bao gồm 191 quốc gia có chủ quyền, tự do tham gia các hiệp ước, các hiệp định và các hiệp hội để sắp xếp các mối quan hệ của họ với nhau. Vương quốc Anh là một trong số đó.

Sự thất bại của Vương quốc Anh trong việc tạo ra một “sự ra đi đầy ý nghĩa khỏi EU” sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một quốc gia lớn có chủ quyền bị buộc phải ở lại trong một liên minh tự nguyện, bởi dù có quyền ra đi nhưng làm như vậy sẽ phải trả cái giá rất đắt.

Ép buộc được hiểu như một chuỗi áp lực từ sử dụng vũ lực cho tới các trừng phạt kinh tế và văn hóa. Theo tiêu chí này, có rất ít nước trên thế giới có chủ quyền thực sự bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga và có thể là Nhật Bản và Ấn Độ.

Với cách hiểu này, chỉ cần lực lượng quân sự cũng có thể ép buộc các nước phải thay đổi chính sách và hệ thống chính phủ. Nước Anh cảm thấy đau đớn khi phát hiện ra những hạn chế chủ quyền lãnh thổ của chính mình.

Sự lựa chọn của các cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit 2016 đã cho thấy gần như là bất khả thi. Trở ngại chính không phải là sự phức tạp của các hiệp ước mới đang được thương lượng, mà là ở sự phán xét của những người chịu trách nhiệm về đời sống chính trị của nước Anh khiến cho cái giá của việc ra đi là quá cao.

Trong suốt 30 tháng qua, Thủ tướng Theresa May đã nỗ lực hết mình, tôn trọng cuộc bỏ phiếu của người dân dù Brexit đến nay chỉ là cái tên chứ chưa thành hiện thực. Điều hoàn toàn chưa rõ là nước Anh đang rời bỏ cái gì.

EU và các cơ chế kinh tế phụ thuộc chồng chéo của nó giống một "con sứa biển" hơn là một liên minh kinh tế và chính trị.

Đối với tầng lớp chính trị của nước Anh, phép thử về chủ quyền quốc gia không phải là khả năng rời khỏi EU, mà đó là khả năng "ra đi” gây tác động càng ít càng tốt đến mọi công việc cũng như hội nhập kinh tế của Vương quốc Anh với các nước EU. Nhưng vậy còn đối với những người bỏ phiếu cho sự phá vỡ các mối quan hệ của Anh với EU thì sao?

Điều này sẽ đưa đến sự mơ hồ thứ hai: Sự tin tưởng mù quáng vào tính ưu việt của hội nhập kinh tế xuyên biên giới, với hệ lụy biên giới quốc gia là những trở ngại đối với sự hội nhập lý tưởng hơn của các thị trường.

[Nước Anh đang phải đối mặt với mớ bòng bong Brexit]

Từ quan điểm này, chức năng duy nhất của quốc gia dân tộc là phải đảm bảo rằng chính sách quốc gia phải thích ứng với thị trường, một quan điểm vốn coi các nước đơn giản là những công cụ của chính phủ.

Nhưng như nhà kinh tế học thuộc Đại học Harvard Dani Rodrik đã chỉ ra, quan điểm coi quốc gia dân tộc như những phương tiện đơn thuần cho hội nhập toàn cầu đã phớt lờ thực tế rằng các chính phủ hiện đại nhìn chung chịu trách nhiệm giải trình cho người dân về quyết định của họ.

Có thể, hội nhập kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong dài hạn; nhưng về ngắn hạn, nó có nguy cơ phá vỡ kinh tế và văn hóa. Điều đó giải thích tại sao một cuộc xung đột giữa hội nhập kinh tế và các hoạt động chính trị dân chủ đang tăng lên.

Các kiến trúc sư của EU đã coi những quốc gia dân tộc thành viên của mình chủ yếu như các công cụ pháp lý để thiết lập bốn cơ chế tự do của thị trường chung duy nhất: tự do luân chuyên hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động. Nhưng các chính phủ ở EU chịu trách nhiệm với các cử tri của họ. Họ không thể ung dung phớt lờ cái giá của hội nhập kinh tế theo cách mà những người đi trước của họ trong thế kỷ 19, sở hữu các khu vực bầu cử nhỏ nhưng quyền lực rộng lớn, có thể làm được.

Tất cả những người châu Âu chín chắn lâu nay đều hiểu được vấn đề thụt lùi dân chủ của EU, nhưng chẳng có mấy hành động để giải quyết vấn đề này.

Không giống như kinh tế, các hoạt động chính trị không thể vượt qua các biên giới quốc gia. Do vậy, khá hợp lý khi những người châu Âu vững tin như cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã kêu gọi một Hợp chủng quốc châu Âu.

Nhưng một Hợp chủng quốc châu Âu lại quá xa các hoạt động chính trị thực tiễn. Người ta không thể tạo ra một nền dân chủ hợp pháp bằng cách chỉ cần soạn thảo một hiến pháp mới.

Vì thế, bất chấp tất cả những thông tin mà chúng ta có hiện nay về cái giá và tính phức tạp của việc "ra đi," cuộc tranh luận về Brexit đã không thực sự tiến triển kể từ mùa Hè năm 2016.

Nhà báo Anh Ambrose Evans-Pritchard đã viết trên tờ Daily Telegraph vào ngày13/6/2016 về “lựa chọn mạnh mẽ (của Vương quốc Anh): Liệu có thể khôi phục chế độ tự trị của quốc gia này hay tiếp tục sống dưới một cơ chế siêu quốc gia cao hơn, được kiểm soát bởi Hội đồng châu Âu mà chúng ta không có quyền lựa chọn.”

Rodrik đồng ý rằng “các quy tắc của EU cần thiết để làm cơ sở cho một thị trường chung châu Âu đã vượt ra khỏi (tầm với của) những điều có thể được tính hợp pháp dân chủ ủng hộ,” nhưng vẫn bày tỏ lạc quan rằng một chính sách châu Âu đơn nhất có thể đặt nền móng cho thị trường đơn nhất.

Vấn đề là liệu Vương quốc Anh có thể tiếp tục lựa chọn "tự trị" hay không. Họ dường như bị mắc kẹt trong mớ bòng bong không lối thoát. Nếu dự đoán này được cảm nhận rộng rãi trong cử tri châu Âu, nó sẽ báo hiệu sự kết thúc của nền dân chủ tự do châu Âu. Và sự trở lại của Nỗi kinh hoàng - sự nổi lên của nền dân chủ phi tự do - có thể sẽ không còn xa vời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục