Không nên giải quyết tranh chấp bằng hành chính

Bên lề Quốc hội chiều 18/6 bàn về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều cử tri cho rằng,  dự án luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhiều điều luật còn chung chung, thiếu chế tài và tính khả thi chưa cao.

Theo đó, luật cần bổ sung quyền được tố cáo của người tiêu dùng, trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp cho người tiêu dùng các bằng chứng về cơ sở pháp lý của hàng hóa, dịch vụ mình kinh doanh. Bên cạnh đó, ngay trong luật cần có quy định về những chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và không nên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính...

Ngày 18/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 làm việc ở hội trường thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Luật, nhằm nâng cao tính khả thi, minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và của người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên hành lang kỳ họp, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Dự án Luật bảo vệ quyền lơi người tiêu dùng đã được đưa ra thảo luận ở tổ, song có ý kiến cho rằng các điều khoản quy định trong đó còn sơ sài, lủng củng về mặt từ ngữ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuyết: Tôi thấy rằng Ban soạn thảo mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, dự án luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra vì nhiều điều luật còn chung chung, thiếu chế tài và tính khả thi chưa cao.

- Việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hiện đang còn nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Vậy Luật cần phải nhấn mạnh vấn đề gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Tuyết: Đúng vậy. Trên thực tế, những năm gần đây, việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề lớn nổi lên, được dư luận đặc biệt chú ý như các vụ ngộ độc thực phẩm ở các đám cưới; các bếp ăn ở một số trường học, một số khu công nghiệp; các vụ lưu hành rau sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; các vụ lưu hành hải sản có ướp hóa chất độc hại; bán phở, bún có phooc-môn; giò chả có hàn the; các vụ bán sữa kém chất lượng; sữa có chứa chất melamine; trái cây dùng chất bảo quản độc hại...

Để góp phần khắc phục tình trạng này, theo tôi, luật cần bổ sung quyền của người tiêu dùng, được tố cáo khi phát hiện các trường hợp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thì luật cần bổ sung thêm trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp cho người tiêu dùng các bằng chứng về cơ sở pháp lý của hàng hóa, dịch vụ do thương nhân kinh doanh. Đây là thông tin rất quan trọng để người tiêu dùng biết rõ hàng hóa sẽ mua và sử dụng có xuất xứ từ đâu, có đảm bảo chất lượng không?.

Một vấn đề quan trọng nữa cần quy định trong luật, đó là những chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

- Hiện tại, việc khiếu nại của người tiêu dùng đối với cơ sở sản xuất về những hàng hóa kém chất lượng mà họ lỡ mua phải vẫn xảy ra, song việc giải quyết khiếu nại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông có đề xuất nào để việc khiếu nại hợp lý của người tiêu dùng được giải quyết triệt để hơn?

Ông Nguyễn Văn Tuyết: Thực ra vấn đề này cũng đã được quy định cho tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật tố tụng dân sự quá phức tạp và tốn kém, không phù hợp với việc giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng (vốn là những tranh chấp nhỏ lẻ), cho nên việc giải quyết còn rất hạn chế.

Theo tôi, cần có quy định về thủ tục xét xử rút gọn tại tòa án trong luật để đảm bảo cho việc giải quyết được tiến hành một cách nhanh gọn, hiệu quả, tiết kiệm.

- Thưa ông, dự án luật có đưa quy định phương thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuyết: Theo tôi, không nên quy định phương thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính trong dự thảo luật vì quy định như vậy không phù hợp với tính chất của quan hệ dân sự. Cơ quan hành chính không có chức năng giải quyết các tranh chấp dân sự. Hơn nữa, nếu có quy định này sẽ làm tăng biên chế, cồng kềnh bộ máy nhà nước, tăng kinh phí... Đây là điều cần phải chú ý để tránh việc sau khi Quốc hội ban hành luật thì bộ máy nhà nước lại cồng kềnh thêm và biên chế lại tăng lên.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục