"Không ngừng nâng cao tính chân thật của báo chí"

Ngày 21/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ngày 21/6, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị đã tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí Quốc gia năm 2009.

Chủ tịch nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của báo chí trong đời sống chính trị-xã hội; báo chí cách mạng là công cụ cực kỳ quan trọng để vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng và là vũ khí đấu tranh sắc bén chống chế độ áp bức, thực dân, thúc đẩy quá trình vận động cách mạng. Chủ tịch đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gửi tới toàn thể anh chị em làm báo các thời kỳ, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Vinh danh các thế hệ làm báo

Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh vì dân tộc, vì nền báo chí  cách mạng Việt Nam của  các nhà báo qua nhiều thời kỳ. Chủ tịch nhấn mạnh: 85 năm đã trôi qua kể từ khi báo Thanh Niên ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ trong máu lửa của các cuộc kháng chiến, hàng trăm nhà báo-chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, tổ chức và vận động thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại...

Các nhà báo đã bám sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, cổ vũ nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện trì trệ, tiêu cực; đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Đồng thời, chính trong quá trình đổi mới đất nước mà báo chí Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có nhiều loại hình báo chí với số lượng và chất lượng như hiện nay; chưa bao giờ có nhiều phương tiện thông tin hiện đại và đội ngũ những người làm báo hùng hậu như hiện nay."

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Việc Đảng và Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất cho lực lượng làm báo cách mạng nước ta là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam."

"Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hoạt động báo chí của chúng ta cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Đã có những biểu hiện “thương mại hóa," xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường, đưa tin và viết bài theo kiểu giật gân, câu khách, thiếu trung thực, làm ảnh hưởng chung đến uy tín của báo chí nước ta," Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Thể hiện sự đồng tâm vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh...

Dặn dò, chỉ đạo những người làm báo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đây là một sự nghiệp vô cùng to lớn nhưng cũng hết sức khó khăn, đòi hỏi toàn xã hội phải có sự đồng tâm nhất trí rất cao, quyết tâm nỗ lực rất lớn, có niềm tin vững chắc và có ý chí, nghị lực phi thường.

Báo chí với những chức năng cao quý của mình, phải làm sao góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh đó. Tôi đề nghị sắp tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao."

Chủ tịch nhấn mạnh thêm: Báo chí cần tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, phục vụ tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, mở rộng quan hệ đối ngoại, hoàn thành các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm.

Đảng đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Đây là sự kiện trọng đại, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Báo chí cần tập trung tuyên truyền việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X; tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong nhiệm kỳ qua, chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới. Đồng thời góp phần vào việc tuyên truyền nội dung của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, phản ánh ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội.

Báo chí cần phản ánh sinh động những vấn đề thực tiễn cuộc sống, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, gương “người tốt, việc tốt,” những điển hình tiên tiến; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Công cuộc đổi mới, mở cửa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được triển khai thực hiện ngày càng sâu rộng và có hiệu quả to lớn."

Cổ vũ cho cái đẹp, kiên quyết lên án cái xấu, ác

"Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh mặt tích cực cũng có mặt tiêu cực và đặt ra những vấn đề mới rất phức tạp. Cái danh, cái lợi, vật chất tiền tài đang có sức cuốn hút ghê gớm. Những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống cơ hội thực dụng xảy ra ở không ít nơi, len lỏi vào không ít lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn hóa, giáo dục…

Trong tình hình ấy, báo chí càng cần tích cực cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, đẩy lùi những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, quan liêu, lãng phí, góp phần tích cực vào cuộc vận động làm trong sạch Đảng, bộ máy nhà nước, làm lành mạnh quan hệ xã hội," Chủ tịch nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình,” đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại, nhằm lật đổ chế độ ta từ bên trong.

Họ công khai hoặc ngấm ngầm thực hiện các thủ đoạn phá rã niềm tin, chia rẽ nội bộ, coi đây là mũi đột phá; lĩnh vực tư tưởng văn hóa được họ coi là mũi xung kích. Họ đang ra sức tuyên truyền về tự do, dân chủ, nhân quyền theo quan niệm và dụng ý xấu của họ, cổ vũ chế độ đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, thổi phồng sự thoái hóa của một số cán bộ, đảng viên để quy kết bôi xấu chế độ, kích động làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng và nhân dân…

Vì vậy, các nhà báo cần phát huy tinh thần chủ động tiến công, luôn tỉnh táo, cảnh giác, có nhiều bài viết sắc sảo, thường xuyên hơn, có sức thuyết phục cao hơn đấu tranh chống những quan niệm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Báo chí phải tích cực đấu tranh chống những quan điểm sai trái, làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Thông tin phải đúng sự thật, không mờ hồ mất cảnh giác

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chỉ ra: Càng đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, chúng ta càng cần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc. Báo chí cần góp phần định hướng giá trị xã hội, sáng tạo ra các giá trị văn hóa, văn minh, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ, tiếp thu các giá trị của nền văn hóa dân tộc, hình thành và phát triển nhân cách, lối sống, đạo đức tốt đẹp; không ngừng nâng cao chất lượng các tác phẩm, tăng cường sức hấp dẫn, sinh động và tính tư tưởng cao để thu hút công chúng.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, hơn lúc nào hết, cần nhận thức sâu sắc và thực hiện đầy đủ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới báo chí chúng ta, không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa Việt Nam là sản phẩm của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, lâu bền nhất của dân tộc; hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam.

Chủ tịch nêu rõ: Ai cũng biết thông tin là chức năng cơ bản của báo chí; trách nhiệm của nhà báo là đáp ứng quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, thông tin càng nhanh nhạy, phong phú càng tốt. Nhưng thông tin phải trung thực, chính xác. Thông tin toàn diện, chứ không phiến diện, không thổi phồng tô hồng hoặc bôi đen; thông tin có phân tích, có bình luận, có định hướng chứ không phải cứ tung ra ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Nói cách khác, thông tin phải nói đúng sự thật, tức là nói đúng bản chất sự việc, hiện tượng, thông tin có cân nhắc hiệu quả xã hội, vì lợi ích chung, sự nghiệp chung; không giật gân, câu khách, không để lộ bí mật quốc gia; càng không mơ hồ mất cảnh giác.

Ở đây đòi hỏi người làm báo phải có đủ bản lĩnh, trình độ và đạo đức nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo. Làm việc gì cũng phải có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí là nghề rất cao quý, thiêng liêng, được cả xã hội nể trọng, cho nên lại càng cần phải giữ đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo cần tự rèn luyện, không ngừng học tập để nâng cao phẩm chất và trình độ hiểu biết mọi mặt, nhất là trình độ chính trị và trình độ nghiệp vụ; thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát yêu cầu công tác tư tưởng, lăn lộn trong thực tiễn, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước cần đổi mới sự lãnh đạo và quản lý; các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp… cần thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để các nhà báo hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan chủ quản với tư cách là người chủ nhiệm tập thể có trách nhiệm rất lớn trong việc lãnh đạo và quản lý báo chí. Hội nhà báo các cấp cần phát huy tốt hơn vai trò, vị trí của mình, góp phần để các cơ quan báo chí, các nhà báo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...

Sau lễ míttinh, Lễ trao Giải báo chí Quốc gia năm 2009 đã được tổ chức. Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã quyết định trao giải cho 130 tác phẩm; gồm 1 giải A, 19 giải B, 54 giải C và 56 giải khuyến khích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục