Không phải cá biệt

“Nhầm lẫn chữ Hán không phải là hiện tượng cá biệt”

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi cho biết, tại các khu di tích trên đất nước ta, việc viết sai các văn tự chữ Hán, Nôm không phải là chuyện hiếm.
Sau ý kiến phản ánh của ông Trần Văn Sinh (thành viên lớp thư pháp chùa Hoằng Ân - Quảng Bá, Hà Nội) về việc viết sai chữ “Tổ” trong bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” tại Đền Trung, thuộc quần thể khu di tích Đền Hùng, sáng 18/3, phóng viên Vietnam+ đã có buổi làm việc với Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm xung quanh vấn đề này. “Để có thể đi đến kết luận học thuật về việc chữ viết trên bức hoành phi là đúng hay sai, chúng tôi cần có hội đồng khoa học để cùng thẩm định. Đền Hùng là di tích mang tầm cỡ quốc gia nên tất cả mọi vấn đề liên quan đều phải hết sức cẩn trọng, từ những chi tiết nhỏ nhất,” ông Mùi cho biết.
“Nhầm lẫn chữ Hán không phải là hiện tượng cá biệt” ảnh 1
Bức hoành phi ở Đền Trung, được đọc từ phải qua là “Triệu Tổ Nam Bang”.
Chữ “Tổ” được khoanh tròn, nét thừa có mũi tên (Ảnh: Chụp ngày 13/3/2013, do ông Sinh cung cấp)
Đại diện cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi ghi nhận những phản ánh của báo điện tử Vietnam+ về những nghi vấn xung quanh việc đúng, sai trong cách viết chữ Hán trên bộ hoành phi. [Thực hư vụ chữ sai trên bức hoành phi ở Đền Hùng] Tuy nhiên, “theo đúng quy trình làm việc, để có thể thành lập hội đồng khoa học, chúng tôi cần có ý kiến, văn bản của cơ sở, cụ thể ở đây là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ và Ban Quản lý khu Di tích Đền Hùng đề nghị thẩm định tính chính xác của các bức hoành phi, văn bia thuộc quần thể khu di tích Đền Hùng,” ông Mùi khẳng định. Trong buổi trao đổi làm việc với phóng viên Vietnam+, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi cũng cho biết: Thực tế, tại các khu di tích trên đất nước ta, việc viết sai các văn tự chữ Hán, Nôm không phải là chuyện hiếm gặp. “Chúng tôi đã góp ý với rất nhiều di tích bị nhầm lẫn chữ viết trong các bức hoành phi, câu đối, ví dụ như ở đền thờ Lý Bát Đế (Bắc Ninh),” ông Mùi bày tỏ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ nhiều phía. “Chúng ta luôn chủ trương bảo tồn chữ viết cổ của cha ông theo đúng nguyên gốc. Về nguyên tắc, trước khi treo lên các bức hoành phi, câu đối tại các khu di tích, luôn có hội đồng khoa học thẩm định. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, ở nhiều công trình, người ta đã làm tắt các bước, coi nhẹ các khâu thẩm định, giám sát chuyên môn trong quá trình tạc chữ để giảm nhẹ chi phí,” ông Mùi phân tích. Bên cạnh đó, “hiện nay, những người làm công việc chạm khắc chữ hầu hết là không biết chữ Hán. Điều nguy hiểm cũng là ở chỗ đó! Thực hiện những công việc này cũng giống như là một cuộc chơi đồ cổ. Nó đòi hỏi phải thật tinh và hiểu biết, nếu không, rất dễ bị nhầm lẫn và mắc các lỗi sai,” Tiến sỹ cho biết thêm. Cùng với đó, ông Mùi cũng khẳng định: “Thực tế, nếu có sai sót thì sẽ phải góp ý để sửa đổi. Đền Hùng là nơi thờ quốc tổ nên mọi việc đều phải hết sức cẩn trọng”./.
PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục