Không phát hiện tiêu cực, Sportradar là "canh bạc" thất bại của VPF?

Nhiều ý kiến chuyên môn đều cho rằng kế hoạch với Sportradar là một sự hợp tác thất bại của VPF trong cuộc chiến chống tiêu cực tại V-League 2016.
Không phát hiện tiêu cực, Sportradar là "canh bạc" thất bại của VPF? ảnh 1Trước thềm V-League 2016, VPF ký hợp đồng với Sportradar, kỳ vọng chống lại tiêu cực trong bóng đá Việt Nam. (Ảnh: VPF)

Nhiều ý kiến chuyên môn đều cho rằng kế hoạch bắt tay với Sportradar là một sự hợp tác thất bại của VPF trong cuộc chiến chống tiêu cực tại V-League 2016.

Cho tới thời điểm này của mùa giải, bản thân Sportradar và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn chưa phát hiện được bất kỳ vụ tiêu cực nào. Trong những lần chia sẻ với báo chí gần đây, Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng cũng nhiều lần khẳng định chưa phát hiện tiêu cực.

Nhưng bất chấp sự khẳng định ấy, hàng loạt sự vụ khó hiểu ở V-League vẫn diễn ra. Trọng tài mắc sai lầm trên diện rộng. Nhiều sai lầm ngớ ngẩn và không thể tha thứ. Nhiều trận đấu có kết quả đáng ngờ, nhiều đội bóng thi đấu trồi sụt khó hiểu. Tất cả khiến bức tranh V-League bị phủ kín một màu u ám.

Sportradar là "canh bạc" thất bại?

Trong bức tranh ảm đạm ấy, Sportradar vẫn chưa phát huy được năng lực. Nói về chương trình này, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét: “Khi mình mời một đối tác, mình phải xem khả năng của họ tới đâu rồi mới quyết định quan hệ. Nhưng có vẻ VFF đang làm việc rất hình thức. Hôm trước, tôi có nói chuyện với ông Viễn (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Phạm Ngọc Viễn).”

“Ông ấy bảo Sportradar chỉ có khả năng cung cấp những dữ liệu tồn tại trên internet, ví dụ như hoạt động cá độ trên mạng, như sự thay đổi lượng tiền dồn về cửa nọ, cửa kia rồi phân tích và thông báo với mình. Ví dụ như hôm nay Hà Nội T&T đá với Đồng Tháp mà Đồng Tháp lại được xếp cửa trên rồi lượng tiền dồn vào cửa đó lại rất nhiều. Những điều đó, bản thân người Việt Nam có nghiên cứu cũng biết được. Mình cứ nghĩ nó cao siêu nhưng nhiều người bảo cách làm đó không áp dụng được với bóng đá ta.”

Không phát hiện tiêu cực, Sportradar là "canh bạc" thất bại của VPF? ảnh 2Một cổ động viên Hải Phòng làm động tác ám chỉ Hải Phòng đang trở thành nạn nhân của trọng tài. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Ông Hải cũng cho rằng Sportradar chưa thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện Việt Nam: “Để nghiên cứu dữ liệu, Sportradar yêu cầu một trận phải có 7 tới 8 camera thì chúng ta lấy đâu ra? Chúng ta muốn nhưng không đủ khả năng làm được. Chúng ta không thể lấy cái đó để phân tích dữ liệu.”

“Khi Sportradar vào Việt Nam, chúng ta hy vọng họ sẽ giúp ta xử lý được tiêu cực đồng thời tìm ra thêm các số liệu chuyên môn của cầu thủ như chạy bao nhiêu, sút bao nhiêu, di chuyển thế nào... Nhưng cuối cùng, chúng ta có làm được đâu. Tôi nghĩ đây là một sự hợp tác thất bại và tốn tiền vô ích.”

Tiêu cực ở Việt Nam không cần internet?

Tại sao Sportradar lại thất bại ở Việt Nam? Để hiểu rõ điều đó, chúng ta cần phải nắm được các khái niệm cơ bản về tiêu cực bóng đá ở Việt Nam. Đó là làm độ, bán độ và cá độ.

- Làm độ: Hành động được thực hiện bởi chủ thể là nhà cái. Họ tạo ra các hạng mục chơi, các “cửa” để người chơi đặt tiền vào “cửa” đó. Ví dụ đơn giản của các hạng mục này là đội thắng, đội thua, đội ghi nhiều bàn hơn, cầu thủ ghi bàn đầu tiên, cầu thủ đầu tiên bị thẻ... Các thông số này sau đó được đưa lên mạng. Sự thay đổi các thông số này là điều Sportradar có thể nắm được.

- Cá độ: Hành động được thực hiện bởi chủ thể là người chơi. Người chơi có thể là người bình thường hoặc là các cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên. Khi người chơi đặt quá nhiều vào một “cửa”, Sportradar có thể phát hiện và thông báo sự thay đổi ở “cửa” đó.

- Bán độ: Hành động thay đổi diễn biến, kết quả trận đấu của các cầu thủ để phù hợp với các “cửa” mà nhà cái đặt lên. Đây là hành vi tiêu cực phổ biến và điển hình nhất trong bóng đá Việt Nam.

Không phát hiện tiêu cực, Sportradar là "canh bạc" thất bại của VPF? ảnh 3Ở vụ tiêu cực Đồng Nai 2014, các đối tượng đã liên hệ trực tiếp mà không hề sử dụng hệ thống của nhà cái trên internet. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Nhưng sự khác biệt khiến Sportradar không thể phát hiện tiêu cực là: cầu thủ và các thành phần xấu bên ngoài làm việc, liên lạc với nhau không hề thông qua các “cửa”. Họ làm việc trực tiếp qua điện thoại, qua trao đổi cá nhân. Họ không hề đặt “cửa”, không hề làm thay đổi thông số của nhà cái. Vì thế, Sportradar không thể nắm được dữ liệu đó.

Trong các vụ tiêu cực điển hình ở SEA Games 2005 và vụ tiêu cực ở Đồng Nai, Ninh Bình hồi năm 2014, các cầu thủ đều làm việc trực tiếp với các đối tượng xấu bên ngoài. Đó là lý do khiến Sportradar tỏ ra thiếu hiệu quả trong ngăn chặn tiêu cực ở V-League./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục