Không quy chuẩn nuôi nhốt, hổ đi về đâu?

Chủ một trại nuôi tâm sự nếu bắt di dời, ông không biết đưa đàn hổ 31 con đi đâu vì đã có quy định cấm mua bán, trao đổi hay trao tặng.
Trước những thông tin về nỗi lo của người dân "sống chung" với hổ, Giám đốc Công ty Bia Thái Bình Dương Ngô Duy Tân tâm sự nếu bắt di dời, ông cũng không biết đưa đàn hổ 31 con đi đâu vì đã có quy định cấm mua bán, trao đổi hay tặng với bất cứ hình thức nào.

Tiếp các phóng viên TTXVN, ông Tân mời ngay xuống thăm trại nuôi hổ ở ấp Nội Hóa I, xã Bình An, huyện Dĩ An. Thấy chúng tôi đông người con hổ lao ra sát hàng rào sắt. Một con hổ trưởng thành xông ra kêu gầm lên khiến ai cũng sợ, dạt ra xa hàng rào. Ông Tân liền đi đến trấn an: "Không phải vì sau khi hổ ở Khu du lịch Đại Nam lao qua hàng rào cắn chết người tôi mới gia cố chuồng hổ của mình như các anh thấy."

Cả chục công nhân đang hì hục hàn thêm sắt cho chuồng hổ. Việc hàn thêm sắt chuồng hổ là do đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu chúng tôi nối thêm song sắt có khoảng cách từ 20cm xuống 10cm để hổ không thể thò chân ra ngoài, ông Tân cho biết.

Quan sát chuồng hổ, chúng tôi thấy các bức tường khá cao. Bức tường thấp nhất là 5m, còn phía tường nuôi hổ sát nhà dân cao 7,5m. Những người tham quan đều nhận định trại nuôi hổ này rất bài bản, chuồng hổ được bao bọc hai lớp sắt. Một lớp B40 bên trong và một lớp song sắt dày bên ngoài, con hổ thậm chí không thò chân ra được.

Theo ông Tân, sau vụ hổ cắn chết người, nhà nước cần ban hành quy chuẩn rõ ràng để các trại nuôi thí điểm gây nuôi sinh sản phát triển các loài động vật quý hiếm để có cơ sở yên tâm. Chứ không như hiện nay, luật cấm mua bán mà chúng tôi ở giữa cứ loay hoay "thí điểm" trong khi chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Theo tôi, thí điểm cũng cần chuẩn, cũng cần cho trao đổi giữa các trại nuôi thú nhằm từng bước bổ sung thêm đàn thú quý hiếm không chỉ ở Bình Dương mà trong cả nước ngày càng phong phú, phục vụ cho giáo dục, bảo tồn.  

Liên quan đến quy chuẩn trong quản lý nuôi động vật hoang dã, ông Tân cho rằng: nếu căn cứ và nhìn vào thực tế của 3 trại nuôi thí điểm đã làm về chuồng trại và cách thức nuôi bán hoang dã trong 2 năm qua thì các ngành chức năng quản lý về Kiểm lâm và tổ chức CITES Việt Nam có thể ban hành được quy chuẩn nuôi thú dữ có từ lâu. Chứ không đợi đến bây giờ khi con hổ ở khu du lịch Đại Nam nhảy chuồng cắn chết người, các ngành mới “đổ lỗi” do chưa có quy chuẩn?  

Theo ông Tân, các ngành kiểm tra không đi vào thực tế và không chịu nghiên cứu để tìm ra quy chuẩn trước đó. Hổ nuôi sờ sờ trong chuồng và chúng tôi có chuồng trại hẳn hoi nhưng cơ sở đâu các ngành chức năng nói không có chuẩn? Qua nhiều lần kiểm tra, thẩm định nhưng các ngành chức năng cứ kêu chỉnh sửa lại hồ sơ phương án.  

Ông Tân cho hay Trại nuôi hổ Công ty Pacific đã có hai lần trình phương án gây nuôi thí điểm động vật hoang dã, nhưng đoàn kiểm tra bảo là không đủ điều kiện. Nguyên nhân nào và căn cứ từ đâu mà đoàn kiểm tra bảo không đạt, trong khi quy chuẩn thì chưa có. " Thế nhưng, nhiều lần kiểm tra họ bắt chúng tôi chỉnh sửa lại phương án. Chuyện nực cười, sau hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi hổ, nhưng chúng tôi không được lập phương án mà phải thuê một một người với giá 34 triệu đồng đứng ra viết phương án nhưng không hề có nuôi hổ", ông Tân bức xúc.

Ông Tân tiếc nuối cho biết việc cấm buôn bán, sang nhượng đã gây rất nhiều khó khăn cho chủ nuôi hổ thí điểm,  vô hình chung làm khó và gần như "giết chết" việc khuyến khích nuôi thí điểm.  

Về vấn đề này, Phó chi cục Trưởng kiểm lâm Bình Dương Trần Văn Nguyên cũng cho rằng việc cho gây nuôi sinh sản động vật hoang dã quý hiếm, nhưng không cho dùng vào mục đính thương mại, sang nhượng, là  mâu thuẩn lớn khiến cho các trại nuôi thí điểm gặp khó khăn và không còn "mạnh dạn" phát triển thêm đàn thú. Còn về quy chuẩn thì đây là một bài học lớn cần phải nhanh chóng rút ra và ban hành ngay.  

Theo ông Nguyên, đã hai năm trôi qua khi cho 3 trại nuôi thí điểm triển khai nhưng không hề có quy chuẩn là việc làm quá chậm của các ngành chức năng. Bản thân ngành kiểm lâm Bình Dương cũng đã gặp không ít khó khăn trong quản lý vì không có quy chuẩn nào mà xử lý các trại nuôi thú dữ./. 


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục