Không thể đơn lẻ đối phó với thách thức toàn cầu

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh không một quốc gia nào có thể đơn độc ứng phó với "bão" kinh tế và tài chính, cùng hàng loạt các thách thức toàn cầu hiện nay.

Phát biểu trong Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York chiều 25/9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nêu ra những thách thức mà thế giới đang phải đối phó và nhấn mạnh rằng  thực tế là không một quốc gia nào có thể đơn độc ứng phó với "bão" kinh tế và tài chính, cùng hàng loạt các thách thức toàn cầu hiện nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế là yếu tố quyết định đảm bảo hòa bình, an ninh, đồng thời là những điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động của cộng đồng quốc tế. Những chính sách, biện pháp áp đặt, đơn phương sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế chỉ gây căng thẳng, đối đầu và dẫn đến bế tắc.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nêu rõ không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân đã trở thành vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế, thể hiện qua việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc họp thượng đỉnh bàn riêng về chủ đề này.

Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy thảo luận và trực tiếp hỗ trợ triển khai các biện pháp cụ thể đối với những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Liên hợp quốc cần tiếp tục tích cực góp phần làm giảm căng thẳng và giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột còn tồn tại, trong đó có những vấn đề liên quan đến Triều Tiên và Iran.

Việt Nam mong sớm có tiến bộ trong các cuộc thương lượng về một giải pháp hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Trung Đông trên cơ sở đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Palestine và đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các bên. Việt Nam hòan toàn ủng hộ công cuộc hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước ở Afghanistan, Iraq và cực lực lên án các hành động khủng bố đối với người dân ở hai nước này, cũng như ở những nơi khác trên thế giới.

Việt Nam phản đối việc sử dụng đơn phương các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại các nước đang phát triển và ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về sự cần thiết chấm dứt ngay lập tức việc cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba.

Đề cập đến việc ứng phó hiệu qủa, toàn diện cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng về lâu dài, cần phải cân nhắc mô hình phát triển phù hợp cho mỗi quốc gia và cải tổ quan hệ kinh tế quốc tế từ lâu đã bộc lộ nhiều mặt bất hợp lý, tiếp tục phát huy vai trò của Liên hợp quốc để xây dựng các chiến lược và cơ chế quốc tế xử lý khủng hoảng năng lượng, lương thực, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,.... Liên hợp quốc cũng cần tiếp tục quá trình cải tổ để có thể đáp ứng những yêu cầu mới và cũng hết sức phức tạp.

Chủ tịch nước nói: "Việt Nam chia sẻ quan điểm chung là cải tổ cần được tiến hành đối với tất cả các cơ quan Liên hợp quốc, trong đó Hội đồng Bảo an cần được tăng tính đại diện rộng rãi và dân chủ, minh bạch hơn trong phương thức hoạt động. Cải tổ về cơ chế cần đi đôi với đổi mới nội dung và chú trọng cân bằng giữa các lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc".

Sau khi nêu khái quát những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới, góp phần vào các nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy các chương trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, thách thức toàn cầu cũng như việc triển khai tốt sáng kiến "Một Liên hợp quốc".

Chủ tịch nước nêu rõ: Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia tích cực, đóng góp hiệu qủa và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ, đóng góp vào việc giải quyết hòa bình các bất đồng và xung đột quốc tế, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế và thúc đẩy giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.

Từ kinh nghiệm của đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh với những hậu qủa nghiêm trọng, trong đó có các tác hại lâu dài của chất độc da cam, và nay thu được thành tựu quan trọng trong phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực để Hội đồng Bảo an hoạt động hiệu qủa trong việc hỗ trợ tái thiết cho những nước vừa trải qua xung đột. Trong hoạt động của mình, Việt Nam hết sức coi trọng tham vấn, hợp tác với các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các thành viên Liên hợp quốc khác, trong đó có việc đưa ra sáng kiến tham khảo ý kiến các nước về Báo cáo năm của Hội đồng Bảo an.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, chỉ có sát cánh bên nhau, tăng cường hợp tác đa phương mới đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân các nước, đồng thời định ra được phương hướng phát triển lâu dài của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục