Không thể nới lỏng quy định lập trường đại học

Quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này là sửa đổi một số điều, xuất phát từ những đòi hỏi khách quan trong thực tiễn.
Trước thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, khóa XII, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục Đào tạo) Chu Hồng Thanh xung quanh việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục (sẽ trình Quốc hội kỳ họp lần này xem xét).

Ông có thể cho biết quan điểm sửa đổi, bổ sung của Luật Giáo dục lần này như thế nào?

Ông Chu Hồng Thanh: Quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này là sửa đổi một số điều, xuất phát từ những đòi hỏi khách quan, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề thực sự bức xúc trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; góp phần đổi mới giáo dục và thực hiện phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Luật Giáo dục là Luật khung tương đối cụ thể, trong phạm vi của Dự án Luật sửa đổi không thể đưa những nội dung quá chi tiết, các quan hệ xã hội cần có văn bản điều chỉnh chi tiết sẽ được quy định tại văn bản dưới Luật.

Có ý kiến cho rằng, trong 3-5 năm gần đây, có hàng trăm trường đại học mới được thành lập tại Việt Nam trong khi chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Việc bãi bỏ quy định giao Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền thành lập trường đại học thay bằng Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo có Quyền này về bản chất có phải là “nới lỏng” quy định thành lập trường đại học hay không ? Quy định như vậy có góp phần làm cho “làn sóng” mở trường đại học tăng mạnh không?

Ông Chu Hồng Thanh: Trong 3 năm, từ năm 2006 đến năm 2008 có 48 trường đại học được thành lập, trong đó có 24 trường được thành lập mới, còn lại 24 trường được nâng cấp từ trường cao đẳng lên. Vì vậy, thông tin những năm gần đây có hàng trăm trường đại học mới được thành lập là không chính xác.

Trên cơ sở các quy định về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và điều kiện, thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể việc thành lập, cho phép thành lập trường đại học. Việc giao thẩm quyền này nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý nhà nước về giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, quy định về việc thành lập trường đại học nói chung. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, việc thành lập trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập. Những trường hợp đặc biệt này sẽ được quy định cụ thể tại văn bản quy định về điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Việc thành lập trường, nâng cấp trường đại học trong những năm qua đều thực hiện theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học. Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc đánh giá các trường mới thành lập và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập trường.

Trong quy trình thành lập trường đại học, việc thẩm định thành lập không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện mà còn có tham gia của các Bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường đặt trụ sở chính,…

Việc thành lập trường đại học dù quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hay giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đều phải căn cứ vào quy định của pháp luật, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới trường đại học và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước. Nhà trường được thành lập và hoạt động giáo dục khi đáp ứng được các điều kiện thành lập và điều kiện hoạt động giáo dục theo quy định. Quy định về trách nhiệm rõ ràng hơn thì việc thực hiện sẽ chặt chẽ hơn, không thể nói là “nới lỏng” quản lý được.

Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ bổ sung những quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào để việc sửa đổi Luật phát huy ý nghĩa tích cực trong thực tế đời sống?

Ông Chu Hồng Thanh: Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung điều 51, Dự án Luật còn sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật giáo dục, theo đó quy định việc thành lập nhà trường thành hai quy trình là thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục.

Dự án Luật đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm đ, khoản 1, điều 51 thành “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường”; sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 51 thành “Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường thì có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường. Người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục thì có thẩm quyền quyết định việc đình chỉ hoạt động giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề theo thẩm quyền quy định thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường khác ở các cấp học”.

Để đưa Luật đi vào cuộc sống, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sát nhập, chia tách, giải thể trường đại học; tiến hành sửa đổi, bổ sung các Điều lệ và Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường khác ở các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó sửa đổi và quy định chi tiết các điều kiện và thẩm quyền thành lập trường; bổ sung các quy định chi tiết về điều kiện, thời hạn và thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục phù hợp với nhà trường ở từng cấp học; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục cho phù hợp với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 50 và Điều 51 của Luật.

Việc ban hành các văn bản này phải đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, theo tinh thần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập trường./.

Xin cảm ơn Vụ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục