"Không thiếu luật bảo vệ người tiêu dùng"

Sau hàng loạt vụ bê bối về chất lượng sữa, một câu hỏi lớn được đặt ra là: Quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo đến đâu? Luật gia Trần Quang Vũ, hội viên Hội luật gia Việt Nam, khẳng định "hoàn toàn không thiếu những công cụ bảo vệ người tiêu dùng" khi trả lời phỏng vấn của Vietnam+.

Sau hàng loạt vụ bê bối về chất lượng sữa, một câu hỏi lớn được đặt ra là: Quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo đến đâu? Luật gia Trần Quang Vũ, hội viên Hội luật gia Việt Nam, khẳng định "hoàn toàn không thiếu những công cụ bảo vệ người tiêu dùng" khi trả lời phỏng vấn của Vietnam+.
 
Ông đánh giá thế nào về việc một số nhà sản xuất sữa đã đánh lừa người tiêu dùng trong thời gian qua?
 

Ông Trần Quang Vũ: Tôi nghĩ đây là cách làm ăn rất tồi tệ. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang tiếp cận đến các phương pháp khoa học trong dinh dưỡng.
 
Đạm là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong sữa. Với ba đối tượng: người già, trẻ em, người bệnh thì bắt buộc phải bổ sung đạm thông qua sữa. Vì vậy, đưa ra những loại sữa thiếu đạm là không thể chấp nhận được. Làm thế là các nhà sản xuất này đã vi phạm cả đạo đức kinh doanh lẫn luật pháp Việt Nam.
 
Với chế tài hiện hành của Việt Nam, việc xử phạt các doanh nghiệp có sản phẩm kém chất lượng như thế nào?
 
Ông Trần Quang Vũ: Đối với những người làm hàng giả, hàng kém chất lượng thì họ phải chịu những chế tài như sau: Thứ nhất, họ sẽ bị ra quyết định ngừng sản xuất; Thứ hai, nhà chức trách sẽ phạt hành chính các doanh nghiệp đó tùy hành vi.
 
Hình thức thông dụng nhất là phạt trực tiếp bằng tiền. Tuy nhiên trong khung quy định thì việc xử phạt có khi lại rất thấp so với lợi nhuận đạt được nên hầu như không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất. Tôi nghĩ, cách làm hiệu quả hơn là tăng cường các hình thức phạt bổ sung thật nghiêm khắc như tước giấy phép hoạt động.
 
Người tiêu dùng đang cho rằng họ bị mất quyền lợi xét theo luật pháp. Họ sẽ làm thế nào để có thể đòi lại quyền lợi chính đáng của mình?
 

Ông Trần Quang Vũ: Chúng ta hãy nhớ lại vụ kiện chất độc màu da cam ở Mỹ. Việt Nam đã có người đại diện cho tất cả những nạn nhân nhiễm dioxin nói chung, dù họ có mặt hay không. Việt Nam đi kiện Mỹ còn áp dụng cách đấy được thì tại sao chúng ta không áp dụng phương pháp này đối với các vụ kiện trong nước? Nghĩa là Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ đứng ra đại diện cho khách hàng đã mua những sản phẩm kém chất lượng này, từ đó lập hồ sơ và… đi kiện.
 
Ở đây chúng ta cần phải thừa nhận phương pháp đó, vì đó sẽ là cơ sở để truy nguyên lại xem anh đã sản xuất được bao nhiêu sản phẩm sữa kém chất lượng, đồng nghĩa với việc anh đã ăn cắp của khách hàng bao nhiêu tiền. Số tiền này cũng là khoản đền bù chung cho tất cả những người tiêu dùng Việt Nam đã mua phải sữa rởm.
 
Đây vừa là cách bảo vệ người tiêu dùng, nhưng sâu xa hơn, cũng là phương pháp trừng phạt những nhà sản xuất không đúng với chất lượng đã đăng ký.
 
Theo ông, có nên đưa ra một bộ luật bảo vệ người tiêu dùng hay không?
 

Ông Trần Quang Vũ: Đưa ra luật pháp mà không thực hiện nghiêm thì cũng vô ích. Vậy nên chúng ta phải bàn đến việc: chỉ với luật pháp hiện nay thì quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo đến đâu?
 
Thứ nhất, người tiêu dùng đã được đảm bảo bằng luật dân sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bên cạnh đó còn luật thương mại, luật hình sự, cũng như các văn bản và quy phạm pháp luật liên quan. Chúng ta cũng hoàn toàn không thiếu những công cụ bảo vệ người tiêu dùng.
 
Thực ra, chỉ cần căn cứ vào đó chúng ta đã có đủ công cụ để xử phạt sai phạm và bảo vệ được người tiêu dùng. Chúng ta không áp dụng luật hiệu quả để bảo vệ họ chứ không phải chúng ta không có pháp luật. Vì thế việc làm thành 1 bộ luật riêng là cần thiết nhưng không thực sự cấp bách./.
 
Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục