Không "xuống nước" trước Mỹ, Iran hướng đến Nga hay Trung Quốc?

Tổng thống Trump là người từ bỏ JCPOA trước, và hiện giờ Iran không có ý định “xuống nước.” Bước đi tiếp theo sẽ phụ thuộc vào Washington, và có thể là cả Moskva và Bắc Kinh.
Không "xuống nước" trước Mỹ, Iran hướng đến Nga hay Trung Quốc? ảnh 1Tổng thống Nga Putin (trái), Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: realiran.org)

Theo trang tin Geopolitical Futures (Mỹ), Iran và Mỹ đã có quãng thời gian ngắn xích lại gần nhau khi ký kết Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thế nhưng, với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, Iran một lần nữa bị "dồn tới chân tường."

Trong những tháng qua, các cuộc xung đột chính trị nội bộ và sự phản kháng của công chúng do nền kinh tế Iran yếu kém đã làm giảm đáng kể vị thế của Tehran trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện giờ, dường như các phe phái chính trị đối lập ở Iran đã hợp lực với nhau để tạo thành một khối đoàn kết chống Mỹ trong bối cảnh Washington tái áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran, giai đoạn 1 vào ngày 6/8, giai đoạn 2 và cũng là giai đoạn cuối vào ngày 4/11.

[Tướng Iran đưa ra lời đe dọa trực diện Tổng thống Donald Trump]

Trong bài phát biểu hôm 21/7, Nhà lãnh đạo Tối cao của Iran Ali Khamenei khẳng định ông ủng hộ chính sách phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của khu vực qua Eo biển Hormuz nếu các đối tác thương mại của Iran lùi bước trước sức ép của Mỹ và ngừng mua dầu của Iran.

Sau đó một ngày (22/7), trong bài phát biểu gây chấn động, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thể hiện quan điểm cứng rắn khi nhắc lại lời đe dọa nói trên của ông Khamenei, đồng thời cảnh báo Mỹ “chớ vuốt đuôi sư tử.”

Ngày 23/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải những dòng tweet mang tính trả đũa, gây "bão dư luận." Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, chính Iran là bên khơi mào cuộc khẩu chiến này.

Đáp lại tuyên bố của Trump, Tham mưu trưởng Quân đội Iran cáo buộc Mỹ đang chuẩn bị tấn công Iran, còn người đứng đầu lực lượng dân quân Basij chỉ trích Washington "đang chơi trò chiến tranh tâm lý."

Có lẽ, Iran hiện không có nhiều lựa chọn nên bắt buộc phải ngả vào vòng tay của Nga và Trung Quốc, trong đó Nga là lựa chọn số 1.

Ngày 11/7, vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, ông Khamenei đã cử cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của mình tới Moskva, mục đích là để đưa hai nước xích lại gần nhau và để chứng tỏ rằng Nga-Iran cùng điều phối hành động trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ.

[Tổng thống Iran coi lời đe dọa từ phía Mỹ là vô nghĩa]

Đây là lần thứ hai trong vài năm gần đây Nga hướng sang Trung Đông để cạnh tranh với Mỹ trong việc tìm kiếm ảnh hưởng ở khu vực này.

Nỗ lực đầu tiên của Nga là tận dụng việc can thiệp vào Syria để giải quyết những vấn đề liên quan đến Đông Âu, nhất là vấn đề Ukraine.

Với việc "chống lưng" cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga hy vọng Mỹ sẽ phải thỏa hiệp về vấn đề Ukraine.

Có thể, Syria không quan trọng đến mức Mỹ phải thỏa hiệp, nhưng Iran thì lại khác.

Nếu Nga có thể chứng minh được rằng họ có khả năng kiềm chế Iran, khi đó Mỹ mới sẵn sàng thỏa hiệp. Nếu không, việc kích động Iran phản kháng sẽ khiến giá dầu tăng, và đó cũng là điều tốt đối với Nga.

Trung Quốc là một lựa chọn khác của Iran. Bắc Kinh dường như sẵn sàng chấp nhận nghênh chiến tới cùng với Washington khi không phát đi tín hiệu nào cho thấy sẽ dừng nhập khẩu dầu của Iran.

Ngược lại, Trung Quốc còn có ý định tăng cường mua dầu của Iran, đặc biệt là nếu giá dầu giảm. Bước đi này cũng tạo ưu thế cho Trung Quốc khi đàm phán và đương đầu với Mỹ. Giá dầu rẻ là điều Trung Quốc rất quan tâm trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu dầu của nước này ngày càng tăng.

Iran không muốn làm “tốt thí,” nhưng đó sẽ là cái giá phải trả cho việc Tehran liên minh gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc. Với Tehran, cái giá đó còn tốt hơn việc phải “luồn cúi” Mỹ.

Chính ông Trump là người từ bỏ JCPOA trước, và hiện giờ Iran không có ý định “xuống nước.” Bước đi tiếp theo sẽ phụ thuộc vào Washington, và có thể là cả Moskva và Bắc Kinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục