Khu công nghiệp Đồng Nai lại "khát" lao động

Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm lượng lớn lao động vào cuối năm trước, nay đồng loạt đăng bảng tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ nhu cầu.
Cùng với quá trình phục hồi kinh tế, các khu công nghiệp ở Đồng Nai nay lại trở về với "cơn khát" lao động, khi nhu cầu của các doanh nghiệp là khoảng 4.000 lao động nhưng số lao động đã tuyển dụng được chỉ đạt hơn 300 người.

Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm số lượng lớn lao động vào cuối năm trước, nay phải đồng loạt đăng bảng kêu gọi công nhân trở lại làm việc và tuyển dụng lao động với nhiều ưu đãi, điều kiện đơn giản hơn nhưng vẫn không tuyển đủ nhu cầu.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai, số lao động bị mất việc trong thời gian qua ở các doanh nghiệp đã giảm từ hơn 7.800 người xuống còn khoảng 230 người, do phần lớn đã tìm được việc làm mới.

Phó Giám đốc Sở Lâm Duy Tín cho biết lao động chưa có việc làm hiện có nhiều sự lựa chọn, ngoài việc vào làm tại các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chương trình giải quyết việc làm khác hoặc ra làm riêng, do đó những doanh nghiệp có mức thu nhập thấp rất khó tuyển dụng.

Thực tế này phản ánh rõ qua 7 phiên giao dịch việc làm của tỉnh Đồng Nai với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia đăng ký, nhu cầu cần tuyển dụng hơn 12.500 lao động nhưng chỉ tuyển dụng được khoảng 15%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông là do mức thu nhập thấp, chỉ khoảng từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/ tháng.

Mặt khác, khoảng 70% số lao động mất việc làm ở Đồng Nai là lao động nhập cư, ở vùng sâu, vùng xa; sau khi mất việc, nhiều người đã về quê tìm việc khác mưu sinh. Bên cạnh đó, Nhà nước có các chính sách đầu tư cho nông thôn nên nhiều gia đình có xu hướng kêu gọi con em về làm việc.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, khẳng định sự suy giảm kinh tế trong thời gian qua cũng là dịp để các doanh nghiệp tự cấu trúc lại sản xuất, đổi mới công nghệ và có chính sách quản lý phù hợp. Các doanh nghiệp muốn giữ được lao động cần cải thiện chế độ tiền lương, nâng cao phúc lợi, đãi ngộ và tạo môi trường làm việc sự ổn định, thoải mái để người lao động an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục