Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: Điểm đến hấp dẫn vùng Tây Bắc

Là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, cao nguyên Mộc Châu có địa hình đa dạng, khí hậu ôn đới trong lành, cảnh quan đẹp, là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: Điểm đến hấp dẫn vùng Tây Bắc ảnh 1 Đến thung lũng mận Mu Náu ở cao nguyên Mộc Châu, Sơn La, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên đường trắng tinh khôi của hoa mận. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Khu du lịch Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ban phú cho khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh thuận lợi, địa hình địa chất đặc thù… tạo điều kiện để tỉnh Sơn La phát triển nhiều loại hình du lịch.

Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030, hứa hẹn sẽ tiếp tục giúp nơi đây trở thành “viên ngọc quý” vùng Tây Bắc, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều tiềm năng du lịch

Mộc Châu trước đây có tên gọi Mường Sang, tên cổ là Mường Mok, tiếng Thái có nghĩa là đất sương mù quanh năm lạnh giá. Chính những đặc trưng khí hậu, địa hình, địa chất đã tạo nên vẻ đặc sắc của Mộc Châu. Không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú giờ thành "đặc sản," thành tiềm năng du lịch, nguồn lực phát triển.

Là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, cao nguyên Mộc Châu có địa hình đa dạng, khí hậu ôn đới trong lành, cảnh quan đẹp, là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách. Mộc Châu đã được xác định là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia nằm trong chiến lược phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

Do cấu tạo địa hình, địa chất đặc thù, Mộc Châu sở hữu một hệ sinh thái phong phú với tiểu vùng khí hậu mát mẻ của thảo nguyên. Đến với Mộc Châu, du khách có thể thỏa sức phóng tầm mắt ngắm nhìn cao nguyên bao la rộng hơn 50.000ha với những đồng cỏ xanh mướt, đồi chè bạt ngàn, những rừng mơ, mận, đào trải dài cả sườn núi.

Mộc Châu còn cuốn hút du khách bởi màu hồng của những cành đào vào mỗi độ xuân về, sắc tím nhạt của hoa ban tươi mới, hoa mận nên thơ rộ trắng giữa núi rừng, hoa cải trắng nhỏ nhẹ và thanh tao, dù là những loài hoa khác nhau nhưng chúng đều mang chung vẻ đẹp thanh tú và bình dị.

[Sơn La: Công bố quy hoạch chung xây Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu]

Mộc Châu có khá nhiều danh lam thắng cảnh sơn thủy hữu tình: Chợ nổi trên sông Ðà, Hang Dơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia; điểm du lịch động Sơn Mộc Hương, đồi thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Ngũ động bản Ôn, Khu bảo tồn quốc gia Xuân Nha, đỉnh Phiêng Luông cao 1.500m.

Ngoài ra, còn có hệ thống di chỉ khảo cổ học ven sông Ðà, như hang mộ thuyền Tạng Mè, hóa thạch động vật ở Chiềng Yên, dấu tích khắc trên đá ở xã Xuân Nha và di tích lịch sử văn hóa: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Mộc Châu, đồn Mộc Lỵ, Bia lưu niệm Ðoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào...

Cùng với danh lam thắng cảnh, Mộc Châu còn có nhiều suối nước nóng (Mường Khoa, Phu Mao, Bản Bó, Hua Păng...) và hội tụ nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Thái trắng, Mường, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú.

Mỗi dân tộc với tập quán sinh hoạt, sản xuất khác nhau đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa và lễ hội như Hết Chá của người Thái trắng, Lập tịnh của người Dao, Nào Sồng của người Mông. Trong đó, hấp dẫn là Ngày hội Văn hoá dân tộc Mông, tổ chức vào dịp Tết độc lập 2-9, là ngày hội của đồng bào Mông trong cả nước và nước bạn Lào đến với Mộc Châu gặp gỡ, giao lưu, hò hẹn… tạo nên sắc màu văn hóa đặc sắc và phong phú.

Mộc Châu được đánh giá là nơi tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La nói riêng và vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ nói chung. Du lịch ở đây không chỉ có nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tham quan cảnh quan, danh thắng mà còn có thể khai thác du lịch văn hóa lễ hội các dân tộc.

Mộc Châu còn là cửa ngõ Tây Bắc, điểm dừng cho hành trình các tour liên vùng: Hà Nội-Sơn La-Điện Biên Phủ-Sapa-Lào Cai; các tuyến du lịch liên quốc gia Hà Nội-Sơn La-Luang Phrabang (Lào)-Thái Lan; tuyến du lịch Sơn La-Lai Châu-Vân Nam (Trung Quốc) mà ngành du lịch đã quy hoạch.

Cùng với đó, hệ thống dịch vụ ở Mộc Châu cũng đã tương đối hoàn thiện, có thể đáp ứng các nhu cầu về đi lại, thông tin liên lạc toàn cầu, lưu trú, hội họp, ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh...

Với tiềm năng của mình, Mộc Châu phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, đặc trưng của một vùng cao nguyên, như: du lịch cộng đồng, thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu…

Điều thú vị là du khách không chỉ tìm hiểu về sản xuất chè mà còn được tham gia lao động sản xuất để trải nghiệm cảm giác của người hái mận, trồng rau và hoa…; được tham quan du lịch di sản văn hóa tộc người, hòa mình vào cảnh quan, môi trường sống, nét sinh hoạt gắn liền với những phong tục tập quán và thưởng thức văn hóa của đồng bào các dân tộc; được tham gia du lịch dưỡng bệnh với các suối khoáng nóng, các thảo dược trồng trên cao nguyên, hoặc du lịch thể thao, vui chơi giải trí: leo núi, nhảy dù, đua ngựa, du thuyền…

Theo đó, khách du lịch đến thăm quan Mộc Châu không ngừng tăng trong năm qua. Nếu như năm 2010 Mộc Châu mới chỉ đón khoảng 288 nghìn lượt khách, năm 2014 là 700 nghìn lượt khách, thì năm 2016 là hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 900 tỷ đồng và đến năm 2018 là 1,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Bệ phóng cho du lịch Mộc Châu

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: Điểm đến hấp dẫn vùng Tây Bắc ảnh 2Đồi chè ở cao nguyên Mộc Châu luôn thu hút các du khách đến chụp ảnh. (Ảnh: T.N/Vietnam+)

Ngày 25/01/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 128/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên là 206.150ha.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, quy mô khoảng 1.500ha. Lập quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 gắn kết tổng thể 3 trung tâm với quy mô khoảng 2.000ha (trong đó các khu vực dân cư lân cận quy mô khoảng 500ha).

Quy hoạch sẽ giúp phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân; phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc bộ cũng như cả nước; đồng thời, định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, vệ sinh môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được định hướng chia thành 3 vùng phát triển chính: Phân vùng phía Bắc-Đông Bắc: phát triển dân cư, nông nghiệp, sinh thái gắn với cây lương thực, chăn nuôi gia súc và khai thác phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch trên sông Đà. Xây dựng mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

Phân vùng trung tâm: Hạt nhân phát triển là thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và trung tâm du lịch trọng điểm. Xây dựng mật độ trung bình và thấp, khai thác phát triển các dịch vụ du lịch, lưu trú đa dạng, bảo vệ phát triển đồi chè, đồng cỏ đặc trưng phục vụ du lịch sinh thái.

Phân vùng Nam-Tây Nam: Phát triển dân cư-phát triển dịch vụ thương mại và du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lóng Sập; du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha. Xây dựng mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên.

Về định hướng kiến trúc, cảnh quan tổng thể vùng du lịch: Sẽ khai thác và phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống các dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Hạn chế tối đa san lấp, chỉ san lấp cục bộ khi xây dựng để đảm bảo hài hòa với địa hình cảnh quan tự nhiên; Các khu vực đô thị hiện hữu: Cải tạo, chỉnh trang cảnh quan đô thị, cải tạo và xây mới các không gian công cộng, không gian mở, không gian xanh, tăng cường các tiện ích công cộng, phát triển hài hòa, gìn giữ phát huy các bản sắc riêng; Kiểm soát phát triển xây dựng đô thị, tránh ảnh hưởng, làm biến dạng tới cấu trúc cảnh quan tự nhiên.

Về kiến trúc, cảnh quan trung tâm du lịch trọng điểm và các khu du lịch: Kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình tự nhiên, cảnh quan khu vực nông nghiệp với cấu trúc không gian truyền thống, gắn kết với các khu dân cư lân cận; Công trình hài hòa với cảnh quan tự nhiên; không xây dựng công trình khối tích lớn làm che khuất tầm nhìn cảnh quan tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, xanh hóa công trình phù hợp với điều kiện vi khí hậu.

Về kiến trúc, cảnh quan khu dân cư nông thôn: Kế thừa phát huy các không gian kiến trúc cảnh quan bản làng truyền thống của các dân tộc, hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Khuyến khích xây dựng phát triển nhà vườn sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch; Khai thác phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống cho tổ chức xây dựng công trình công cộng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, gắn với các tuyến cảnh quan nông nghiệp và tự nhiên. Kiến trúc nhà ở nông thôn phù hợp với phong tục tập quán văn hóa truyền thống các dân tộc.

Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo quy hoạch, tạo điều kiện triển khai các bước dự án và đầu tư xây dựng tiếp theo.

Về phía tỉnh Sơn La, trên cơ sở xúc tiến các chương trình phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh đã bước đầu xây dựng được một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư đặc thù như đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đối với các dự án phát triển du lịch cộng đồng; cơ cấu lại các ngành nghề theo hướng ứng dụng công nghệ cao; chủ động làm việc, mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào khu du lịch; thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với đất đai, lao động của địa phương và thị trường tiêu thụ; xây dựng và vận hành chuỗi giá trị sản xuất cung ứng, chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…

Chủ trương đó, được thực hiện bằng chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thể hiện rõ ý chí của hệ thống chính trị, đến sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, doanh nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhằm xây dựng một khu du lịch quốc gia bền vững, an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh việc ban hành các chính sách, tỉnh Sơn La cũng chú trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, cộng đồng nhân dân trong quá trình phát triển du lịch.

Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức giới thiệu quảng bá tiềm năng du lịch Mộc Châu, tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư, đảm bảo sự công khai minh bạch và đồng thuận của của cộng đồng nhân dân trong quá trình triển khai dự án...

Với tiềm năng vốn có và những chính sách thu hút đầu tư, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu dự kiến sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đón 2,97 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 50.00 lượt khách, tổng doanh thu đạt 5.557 tỷ đồng, tương đương 264,6 triệu USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục