Khu vực máy bay AirAsia mất tích bị coi là "vùng biển chết chóc"

Khu vực biển Java từng được coi là một trong những vùng biển nhiều chết chóc nhất thế giới, nơi có nhiều con tàu cũng như cả máy bay nằm lại dưới đáy biển.
Khu vực máy bay AirAsia mất tích bị coi là "vùng biển chết chóc" ảnh 1Lực lượng không quân Indonesia thông báo khu vực tìm kiếm máy bay mất tích QZ8501 trong cuộc họp báo tại sân bay Surabaya, Đông Java ngày 29/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia đã mất tích trên biển Java, tại khu vực nằm giữa quần đảo Kalimantan và Java.

Không lực Indonesia nói rằng 2 trong số các máy bay của nước này đã được điều đi để rà soát khu vực nằm ngoài khơi biển Java, tại phía Tây Nam Pangkalan Bun ở tỉnh Kalimantan.

Theo báo chí Singapore, khu vực biển Java từng được coi là một trong những vùng biển nhiều chết chóc nhất thế giới, nơi có nhiều con tàu cũng như cả máy bay nằm lại mãi mãi dưới đáy biển.

Biển Java là một khu vực nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, kẹp giữa các đảo Java và Borneo. Biển này giáp Borneo về phía Bắc, Java về phía Nam, Sumatra về phía Tây và các biển Flores cùng Bali ở phía Đông. Biển nối với Ấn Độ Dương thông qua Eo Sunda.

Biển Java có nhiều vùng nước nông, với độ sâu trung bình chỉ 46m. Biển này nằm trên một khu vực rộng trên 432.000km2, lớn bằng 603 lần Singapore.

Khu vực này chịu ảnh hưởng nặng của điều kiện thời tiết mưa rào. Các cơn mưa thường xuất hiện vào giữa tháng 12, kém dài cho tới tháng Ba mỗi năm. Mưa thường kéo dài nhiều ngày, kết hợp với gió thổi mạnh. Mùa khô trong khu vực này kéo dài từ tháng Sáu tới tháng Chín.

Đã có vài vụ tai nạn liên quan tới tàu và máy bay ở khu vực này. Ngày 1/1/2007, một chiếc máy bay của hãng Adam Air (nay đã ngưng hoạt động) bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu khi đang bay trên biển Java.

Chiếc Boeing 737-400, chở theo 102 người chủ yếu tới từ Indonesia, đang trên đường từ Surabaya tới Manado.

Nhiều mảnh xác máy bay đã chỉ được tìm thấy 10 ngày sau đó tại khu vực nằm ngoài khơi bờ biển Sulawesi. Cơ quan điều tra thấy rằng các phi công đã vô tình ngắt hệ thống bay tự động khi đang tìm cách sửa lỗi trong hệ thống dẫn đường.

Tháng 5/2009, một chiếc phà hoạt động giữa các hòn đảo nằm trên biển Java đã bốc cháy. Khoảng 350 hành khách và thủy thủ đoàn đã được một con tàu hàng đi ngang qua cứu sống.

Tháng 12/2006, một chiếc phà chở đầy người và hàng hóa đã vỡ tan và chìm xuống biển Java trong một cơn bão dữ dội, khiến hơn 400 người thiệt mạng.

Năm 1981, 580 người thiệt mạng khi tàu khách Tamponas II bốc cháy trên biển và bị chìm sau đó.

Nhiều xác tàu vẫn nằm lại ở biển Java, nơi cũng là một điểm lặn được nhiều người ưa chuộng.

Đây là nơi diễn ra một trong các trận hải chiến chết chóc nhất dưới thời Thế chiến thứ 2. Hải quân Hà Lan, Anh, Australia và Mỹ đã gần như bị tiêu diệt hoàn toàn khi tìm cách bảo vệ Java trước cuộc tấn công của quân đội phátxít Nhật.

Tháng Tám năm nay, Hải quân Mỹ xác nhận một xác tàu nằm ở dưới đáy biển Java là chiếc USS Houston.

Đây là một tuần dương hạm đã bị quân Nhật đánh đắm trong Thế chiến thứ 2. Nơi chiếc tàu chìm xuống cũng là địa điểm an nghỉ của khoảng 700 quân nhân Mỹ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục