Khủng hoảng chính trị tại Bỉ ngày càng gay gắt

Khủng hoảng chính trị ở Bỉ trầm trọng hơn khi nhà hòa giải Vande Lanotte tiếp tục thất bại trong nỗ lực hòa giải các chính đảng.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi ngày 26/1, Nhà Vua Albert II một lần nữa lại phải chấp thuận sự rút lui của nhà trung gian hòa giải Johan Vande Lanotte trong sứ mệnh thuyết phục 7 chính đảng có chân trong Quốc hội trở lại bàn đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới.

Phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết đây là lần thứ hai chỉ trong gần một tháng qua, nhà trung gian hòa giải - cựu Thủ tướng Bỉ  Lanotte phải chấp nhận thất bại trong sứ mệnh của mình. Trước đó, ngày 6/1, ông Lanotte cũng đã phải "chào thua" trước những bất đồng không thể hóa giải giữa các chính đảng có chân trong Quốc hội.

Phát biểu trước báo giới sau khi từ chức lần thứ hai, ông Lanotte đánh giá không có một triển vọng nào trong việc thuyết phục các chính đảng quay trở lại đàm phán về thành lập chính phủ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 7 tháng qua (từ ngày 13/6/2010).

Quyết định từ chức của ông Lanotte được đưa ra sau những thất bại liên tiếp tại các cuộc đàm phán diễn ra trong những ngày qua giữa nhà trung gian hòa giải này với các đảng phái thuộc vùng nói tiếng Pháp và vùng nói tiếng Hà Lan, khiến mọi nỗ lực khai thông bế tắc chính trị ở Bỉ đều đi vào ngõ cụt.

Đỉnh điểm của sự bế tắc này là cuộc gặp ngày 26/1 với đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Flemish (CD&V), diễn ra trong bầu không khí "căng thẳng," khi những đảng này yêu cầu trao quyền đầy đủ ở cấp vùng về chính sách việc làm và y tế, đồng thời từ chối sự tồn tại của Brussels như là vùng thứ ba của Bỉ và yêu cầu được đồng quản lý Brussels. Đây là yêu cầu khó chấp nhận đối với các đảng phái thuộc vùng nói tiếng Pháp.

Theo các nhà quan sát, hai khả năng có thể xảy ra: Hoặc có sự thay đổi lớn kéo theo việc thành lập được liên minh chính trị khác, trong đó có sự tham gia các cuộc đàm phán của hai đảng tự do; hoặc phải tiến hành bầu cử lại. Tuy nhiên, phương án thứ hai rất khó được chấp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục