Khủng hoảng chính trị Thái Lan - Bài toán chưa lời giải

Thái Lan đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi bùng nổ vào năm 2005. Sau hơn ba năm các phe phái đấu đá, tranh giành quyền lực dai dẳng, cuộc khủng hoảng ngày một lan rộng và gay gắt.

Thái Lan đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi bùng nổ vào năm 2005. Sau hơn ba năm các phe phái đấu đá, tranh giành quyền lực dai dẳng, cuộc khủng hoảng ngày một lan rộng và gay gắt.

Nguồn gốc khủng hoảng

Căng thẳng bắt đầu từ cuối năm 2005, khi lực lượng đối lập phát động làn sóng biểu tình chống chính phủ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, và lên đến đỉnh điểm khi quân đội hậu thuẫn phe đối lập đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin tháng 9/2006, lập nên chính quyền lâm thời do các tướng lĩnh kiểm soát.

Dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước, Tư lệnh Lục quân thời điểm đó, được xem là người nắm thực quyền điều hành đất nước, Tướng Sondhi Boonjaraklin, đã đồng ý tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2007. Việc này đã giúp phe ủng hộ ông Thaksin, từ đảng Người Thái yêu người Thái, tập hợp dưới tên gọi mới là đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), trở lại chính trường. Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận kết quả thắng cử của PPP. Lực lượng đối lập Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đã tìm mọi cách buộc Thủ tướng Samak Sundaravej từ chức với cáo buộc ông vi phạm luật chống tham nhũng vì nhận thù lao để tham gia một chương trình truyền hình thương mại khi đã nhậm chức.

Lý do công khai là vậy, song dư luận đều thấy rõ nguyên nhân sâu xa, đó là mối liên hệ giữa ông Samak  với ông Thaksin, người đã chủ trương bỏ qua chế độ bảo trợ chính trị trước đây khiến vai trò của tầng lớp trung và thượng lưu bị hạ thấp, làm phe đối lập tức giận. Xét cho cùng gốc rễ của mọi biến động chính trị ở Thái Lan thời gian qua không nằm ngoài xung đột giữa các phe cánh cũng như mâu thuẫn xã hội giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự ra đi của ông Samak  đã không đổi lại được sự yên bình, ổn định cho đất nước. PAD tiếp tục đòi Thủ tướng kế nhiệm Somchai Wongsawat từ chức vì mối liên hệ họ hàng của ông này với cựu Thủ tướng Thaksin.

Cuối tháng 5 vừa qua PAD lại phát động chiến dịch biểu tình mới, chiếm giữ tòa nhà chính phủ, khiến chính phủ phải tạm dời trụ sở về sân bay Đôn Mường đã ngừng hoạt động ở ngoại ô Bangkok. Trụ sở quốc hội cũng bị PAD sử dụng làm "trận chiến" với việc phong tỏa hàng trăm nghị sĩ cùng quan chức chính phủ trong tòa nhà, khiến mâu thuẫn chính trị leo thang thành xung đột đổ máu ngày 7/10 vừa qua.

Sau nhiều tháng "cắm trại" biểu tình, PAD đã quyết định "ra đòn" tổng lực trong một "trận chiến cuối cùng" bắt đầu ngày 24/11. "Biển áo vàng" (màu áo của những người ủng hộ PAD) đã tràn ngập các tuyến đường chính ở thủ đô Bangkok, vây kín quanh trụ sở Quốc hội, buộc cả Thượng viện và Hạ viện phải hoãn phiên họp quan trọng. Làn sóng biểu tình càng mở rộng hơn khi sân bay quốc tế Suvarnabhumi, cửa khẩu hàng không nhộn nhịp nhất châu Á, cũng bị biến thành "công cụ" cho cuộc đấu tranh chính trị nhằm mục tiêu lật đổ chính phủ.

Hậu quả sâu rộng

Diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng dai dẳng này càng khoét sâu mâu thuẫn lâu nay trong xã hội Thái Lan, giữa một bên là tầng lớp dân nghèo với một bên là tầng lớp trung và thượng lưu. Song cả đất nước Thái Lan cùng phải gánh chịu hậu quả chung là kinh tế sa sút và hình ảnh đất nước bị tổn hại nghiêm trọng.

Sân bay quốc tế của Bangkok bị phong tỏa, hàng nghìn du khách mắc kẹt trong cơn hỗn loạn. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của Thái Lan, đem lại doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm.

Chủ tịch Hiệp hội các công ty Lữ hành Thái Lan (ATTA) Apichart Sankary tức giận nói "chính trị đang giết chết ngành du lịch". Các công ty du lịch Thái Lan đang đứng trước nguy cơ phá sản dù mùa du lịch cao điểm là tháng 12 và tháng Giêng, lên án việc PAD phong tỏa sân bay là "hành động bẩn".

Không chỉ riêng ngành du lịch, cuộc khủng hoảng còn có nguy cơ tác động toàn diện tới nền kinh tế nước này, làm giảm lòng tin của giới đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và giảm sức mua của người tiêu dùng Thái Lan. Thị trường chứng khoán Bangkok tụt xuống điểm thấp nhất trong năm năm, đồng bạt mất giá nhiều so với USD. Nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi Thái Lan.

Đối với hàng nghìn du khách nước ngoài, hình ảnh cuối cùng mà họ lưu lại về đất nước Thái Lan khi thoát khỏi sân bay Suvarnabhumi là những giờ phút mệt mỏi, căng thẳng, vật vờ, và những người áo vàng bịt mặt, tay cầm gậy gộc tràn ngập sân bay. Nhiều du khách tuyên bố sẽ không bao giờ quay trở lại Thái Lan. Đó là một thiệt hại nghiêm trọng mà không biết đến bao giờ đất nước này mới khắc phục được.

Chưa có lời giải

Chính trường Thái Lan đang ngày một "nóng" và chưa có hy vọng tìm được "liều thuốc hạ nhiệt". Cả phe ủng hộ chính phủ lẫn phe chống đối đều không hề có dấu hiệu lùi bước, khiến tình hình lâm vào "ngõ cụt", trong khi Chính phủ rõ ràng đã bị tê liệt và bất lực trước những hành động của PAD, quân đội thì khước từ vai trò thực thi pháp luật.

Sau nhiều tháng giữ thái độ trung lập, ngày 26/11, Tư lệnh Lục quân đầy quyền lực, Tướng Anupong Paojinda đã kêu gọi giải tán quốc hội và tiến hành một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng Somchai đã bác bỏ đề nghị này, khiến một số ý kiến trong PAD xem đề nghị của Tướng Anupong là "cuộc đảo chính mềm dẻo" hy vọng sự bác bỏ của Thủ tướng Somchai sẽ đẩy ông vào thế đối đầu với phe quân sự, châm ngòi cho một cuộc đảo chính mới. Tuy nhiên, dường như PAD đã sai lầm khi thực hiện "trận chiến cuối cùng" tại Suvarnabhumi và Đôn Mường.

Ngay cả những tờ báo vốn ủng hộ phe đối lập như tờ Bưu điện Bangkok (Bangkok Post) và tờ Dân tộc (The Nation) cũng chỉ trích PAD hành động "hoàn toàn sai trái" khi "biến những du khách nước ngoài trở thành con tin cho mục đích chính trị của mình". Điều này khiến quân đội cũng như Hoàng gia khó lòng công khai ủng hộ PAD. Tướng Anupong tiếp tục khẳng định quân đội sẽ không đảo chính vì đảo chính không giúp chấm dứt bất ổn chính trị.

Theo Tư lệnh quân khu I, Trung tướng Kanit Sapitak, "tình hình sẽ không vượt ngoài tầm kiểm soát vì người Thái luôn thống nhất ủng hộ Nhà vua, cho dù bất đồng chính kiến". Dư luận đã nghĩ đến một giải pháp cuối cùng, Nhà vua Thái Lan Bhumibol Aduljadej một lần nữa sẽ đứng vai trò trung gian hòa giải giữa các phe phái.

Từng trải qua 18 cuộc đảo chính và trong vòng ba năm trở lại đây đã ba lần thay chính phủ, Thái Lan đang tiếp tục trượt dài vào cuộc khủng hoảng toàn diện cả về chính trị, kinh tế.

Dư luận trong nước cũng như quốc tế bi quan về triển vọng tìm ra lối thoát vì vẫn chưa xuất hiện một lực lượng chính trị hoặc nhân vật nào đủ uy tín và khả năng đứng ra giải quyết tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục