Khủng hoảng COVID-19 và nguy cơ mới của Vương quốc Anh

Tại xứ Wales, lĩnh vực y tế sẽ khiến vai trò nhà nước Vương quốc Anh trở nên thừa thãi, ví dụ vấn đề điều trị cho bệnh nhân thế nào là do Cardiff (thủ phủ xứ Wales) quyết định, chứ không phải London.
Khủng hoảng COVID-19 và nguy cơ mới của Vương quốc Anh ảnh 1Tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 20/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Từ khi ra đời cách đây 2 thập kỷ, Senedd Cymru - cơ quan nghị viện phân quyền của xứ Wales - ít được biết đến ở khía cạnh quyền lực độc lập trong cơ cấu chính trị của Vương quốc Anh, nếu so với cơ quan lập pháp của hai vùng khác là Scotland và Bắc Ireland.

Mãi đến năm 2006, cơ quan này mới được trao những thẩm quyền tương đương với các cơ quan lập pháp tại 2 khu vực còn lại và phải tới năm 2001 mới có quyền lập pháp đầy đủ.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Senedd Cymru lại đang được chú ý hơn cả so với các cơ quan lập pháp còn lại trong bốn xứ của Vương quốc Anh - tất cả là do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra.

[Nước Anh chưa đồng thuận về kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa]

Cũng giống như nhiều vấn đề khác trong bản hiến pháp không thành văn của Vương quốc Anh, quyền lực của Senedd Cymru là vấn đề thường xuyên bị hiểu nhầm.

Cùng với giao thông và giáo dục, một trong những vai trò lập pháp của cơ quan này là trong vấn đề chính sách y tế.

Tại xứ Wales, lĩnh vực này có thể khiến vai trò nhà nước Vương quốc Anh trở nên thừa thãi, chẳng hạn vấn đề điều trị cho bệnh nhân như thế nào là do Cardiff (thủ phủ xứ Wales) quyết định, chứ không phải London.

Đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, những vai trò phân quyền như vậy đang làm phức tạp thêm khả năng đối phó của Chính phủ Anh trong giai đoạn dịch bệnh.

Thủ tướng Anh thường xuyên gặp khó khăn trong việc diễn giải rằng chính phủ của mình đang lên tiếng đại diện cho toàn bộ Vương quốc Anh, hay chỉ cho Anh và xứ Wales.

Thách thức này càng trở nên rõ ràng hơn khi trong bài phát biểu về việc nới lỏng phong tỏa của ông Johnson.

Hơn 27 triệu người Anh đã theo dõi bài phát biểu ngày 10/5 của Thủ tướng, bài phát biểu đi kèm với khẩu hiệu khó hiểu về “giữ cảnh giác."

Nhưng đối với 10 triệu người sống ngoài Anh, những lời của ông Johnson chẳng có gì liên quan.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tức giận tuyên bố trên Twitter rằng Scotland của bà sẽ tiếp tục khẩu hiệu “ở nhà.”

Thủ hiến xứ Wales Mark Drakeford và người đồng cấp Arlene Foster tại Bắc Ireland cũng đồng tình với quan điểm của bà Sturgeon.

Những phản ứng này khiến Điện Westminster (Quốc hội Anh) giận dữ, nhất là những nghị sỹ Bảo thủ chưa bao giờ chấp nhận việc phân bớt quyền lực cho cơ quan lập pháp các vùng trong Vương quốc.

Năm 1999, khi Thủ tướng Anh lúc đó là Tony Blair, thuộc Công đảng, cho thành lập các cơ quan lập pháp cấp vùng, đa số thành viên đảng Bảo thủ đều tỏ ra ngờ vực tính đúng đắn của quyết định này.

Thực tế những suy nghĩ đó đến giờ vẫn không thay đổi. Nghị sỹ Daniel Kawczynski nhấn mạnh: “Tôi hy vọng là việc họ chống lại Thủ tướng trong thời điểm khủng hoảng này sẽ làm dấy lên một cuộc tranh luận dài hạn tại xứ Wales về việc liệu có hay không nên tiếp tục duy trì cơ quan tốn kém và thừa thãi này.”

Kawczynski đang bày tỏ nỗi bực dọc đối với xứ Anh vì họ không có cơ quan nghị viện của riêng mình.

Như nhiều nghị sỹ khác, ông khó chấp nhận được thực tế rằng mình được bầu làm nghị sỹ toàn quốc, nhưng lại không thể tham gia điều hành cả đất nước.

Như một cựu cố vấn chính phủ nhận xét, “Chính phủ Anh tại Whitehall (London) từ lâu đã né tránh chấp nhận thực tế rằng họ không điều hành chung toàn bộ nước Anh - vì như thế sẽ càng làm bộc lộ rõ ràng hệ thống hai tầng các quan chức chính phủ và nghị sỹ.”

Cách tiếp cận nghiêm khắc hơn của xứ Wales với lệnh phong tỏa cũng đặt ra hàng loạt vấn đề thực tế khác. Hơn 130 triệu chuyến đi lại diễn ra giữa biên giới Wales và Anh mỗi năm.

Hố thứ tư trên sân golf Llanymynech có vị trí phát bóng thuộc xứ Wales nhưng kết thúc lại là một cú gạt bóng vào lỗ trên đất Anh. Nhiều bất động sản nằm vắt qua hai vùng lãnh thổ. Đây chính là những mớ bòng bong trong hiến pháp của Vương quốc Anh.

Giải pháp thực ra đã rõ ràng từ nhiều năm qua. Một chính quyền liên bang Vương quốc Anh đang dần hình thành và một nghị viện riêng cho xứ Anh có lẽ là điều tất yếu trong tương lai.

Điều này đã manh nha kể từ khi Tam Dalyell đưa ra cái gọi là câu hỏi West Lothian năm 1997 về việc xứ Anh còn phải chịu đựng đến bao giờ cảnh các nghị sỹ Scotland, Wales và Bắc Ireland có tiếng nói trong những vấn đề chỉ liên quan đến xứ Anh.

Câu hỏi càng nóng hơn khi ông Blair tạo ra các nghị viện phân quyền và tăng cường quyền lực cho họ trong khi không nghĩ gì nhiều cho Anh.

Vấn đề trở nên gần hơn khi Scotland “suýt” bỏ phiếu độc lập năm 2014, và một lần nữa vào năm 2016 khi 2 trong số 4 vùng của Vương quốc Anh bỏ phiếu phản đối Brexit.

Một nhà quan sát chính trị xứ Wales nhận xét: “Không ai tại Westminster muốn đả động đến vấn đề mất cân bằng vì sợ lại càng thúc đẩy các xu hướng đòi độc lập.”

Nhưng khủng hoảng COVID-19 một lần nữa lại cho thấy thực tế về sự lúng túng và mất cân đối trong hệ thống chính trị Vương quốc Anh.

Nếu Thủ tướng Johnson không sớm giải quyết được bài toán mất cân đối về hiến pháp này, Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tan rã trong tâm trạng bất đồng, hằn học và chia rẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục