Eurozone đi về đâu?

Khủng hoảng dai dẳng ở Eurozone bao giờ kết thúc?

“Sức nóng” của cuộc suy thoái kinh tế dai dẳng đang vượt khỏi khu vực Eurozone và lan ra toàn Liên minh châu Âu gồm 27 nước.
Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang trong giai đoạn suy thoái dài nhất trong lịch sử 14 năm của khối này do những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng cùng với hệ quả của các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà Chính phủ nhiều nước thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Quý 1/2013 đánh dấu quý suy thoái thứ sáu liên tiếp của Eurozone, đưa khu vực này vào giai đoạn suy thoái dài hơn cả giai đoạn suy thoái hồi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, tuy được giới phân tích đánh giá là không nghiêm trọng như vậy.

Eurozone rơi vào suy thoái kinh tế từ quý 4/2011. Ban đầu, suy thoái chỉ diễn ra ở một số quốc gia đứng đầu “chiến tuyến” khủng hoảng nợ như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, nhưng hiện “căn bệnh truyền nhiễm này” đã lan sang cả các cuộc gia được coi là hạt nhân của châu Âu.

Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 15/5 cho hay có tới 9 trên 17 nước sử dụng đồng euro đang bị suy thoái. Trong quý 1/2013, Eurozone đã giảm 0,2% so với quý trước đó và 1% so với cùng kỳ năm 2012.

[Eurozone "êm lặng" hơn so với một năm trước đây]

Mặc dù mức giảm trong quý 1 có phần “nhẹ nhàng" hơn trước, song đây vẫn là thông tin chẳng mấy dễ chịu đối với khu vực có khoảng 340 triệu dân này trong bối cảnh nhiều Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để đối phó với khủng hoảng nợ. Các biện pháp khắc khổ mà nhiều chính phủ các nước châu Âu phải áp dụng trong thời gian qua để giảm thâm hụt ngân sách và đổi lấy gói các cho vay cứu trợ đã tạo ra những nỗi đau kinh tế và bất ổn xã hội. Trên toàn châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới mức cao kỷ lục 12,1% và khoảng 19 triệu người hiện không có việc làm.

Hành trình suy thoái của Eurozone


Cuộc khủng hoảng nợ đã cho thấy rõ tác động tiêu qua việc Đức - nền kinh tế đầu tàu của Eurozone - chỉ tránh được bờ vực suy thoái trong gang tấc nhờ tăng trưởng nhẹ 0,1% trong quý 1. Mùa Đông khắc nghiệt cộng thêm việc các nước Eurozone vẫn lao đao vì khủng hoảng nằm trong số những nguyên nhân khiến nền kinh tế vốn chi phối tới gần 1/3 sản lượng kinh tế của khu vực này không thể phục hồi mạnh mẽ hơn. Vào thời điểm này, “gót chân Asin” của kinh tế Đức chính là nhu cầu đầu tư vào các loại hàng hóa đầu vào như nhà xưởng, thiết bị công nghiệp và máy móc vẫn ở mức thấp.

Thần may mắn “gõ cửa” Đức, nhưng "phép màu" đã không đến với Pháp. Ngay trong dịp kỷ niệm năm đầu tiên của ông Francois Hollande trên cương vị Tổng thống Pháp, các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone lâm vào suy thoái sau khi giảm trong hai quý liên tiếp và gần nhất là giảm 0,2% trong quý 1/2013.

Italy - nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone - trải qua quý tăng trưởng âm thứ bảy liên tiếp sau khi giảm 0,5% trong quý 1/2013. Đây là giai đoạn suy thoái dài nhất của "đất nước hình chiếc ủng" kể từ khi công tác thống kê hàng quý được bắt đầu tiến hành hồi năm 1970. Chính phủ mới của Italy đang cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn phải duy trì các mục tiêu ngân sách theo quy định của EU.

Trong Eurozone, Hà Lan vẫn chưa thoát khỏi suy thoái khi GDP giảm 0,1% trong quý 1, kinh tế Áo chững lại và Phần Lan suy thoái mang tính kỹ thuật khi GDP trong cùng thời gian này giảm 0,1%.

Kinh tế Hy Lạp vẫn chìm trong cuộc suy thoái kéo dài 6 năm qua, do ảnh hưởng bởi một loạt biện pháp khắc khổ để đối lấy các gói cứu trợ. Trong quý 1, “xứ xở các vị thần” giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. Giới phân tích cho rằng sẽ còn rất lâu nền kinh tế này mới trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tình hình Síp còn bi đát hơn nhiều với GDP quý I/2013 giảm 1,3%. Nhiều nhà kinh tế e ngại quốc gia nhỏ bé ở Địa Trung Hải này sẽ suy giảm theo kiểu Hy Lạp trong vài năm tới. Bồ Đào Nha chưa thoát khỏi suy thoái mặc dù quý đầu năm nay giảm 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 1,8% của quý trước đó. Tây Ban Nha cũng trong cảnh tương tự với GDP giảm 0,5%, khi nước này vẫn tiếp bước trên con đường “thắt lưng buộc bụng.”

Khó khăn kinh tế lan rộng

“Sức nóng” suy thoái đang vượt ra ngoài Eurozone và lan ra toàn Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên. Kinh tế EU hiện đang suy thoái sau khi giảm 0,1% trong quý 1 và 0,5% trong quý trước đó.

Với dân số hơn nửa tỷ người, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nếu EU tiếp tục mắc kẹt trong suy thoái, các công ty ở Mỹ và châu Á cũng sẽ dần cảm nhận được “hơi nóng” này. Hãng chế tạo ô tô Ford Motor Co. có trụ sở tại Mỹ trong tháng trước đã lỗ 462 triệu USD ở châu Âu và hãng đã dùng từ “bấp bênh” để đánh giá triển vọng kinh doanh hiện nay ở “lục địa già.” Hãng đồ ăn nhanh McDonald's cũng chứng kiến doanh thu của mình tại châu Âu giảm 1,1% trong quý đầu năm nay.
Các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tuy có phần chững lại trong năm nay, nhưng chưa có nước nào rơi vào suy thoái. Dựa trên con số tăng trưởng quý này, tăng trưởng kinh tế ở mức hàng năm của Eurozone vào khoảng -0,9%, trong khi của Mỹ là 2,5% và của Trung Quốc khoảng 8%.

Suy thoái bộc lộ những nhược điểm trong chính sách

Đối với nhiều nhà phân tích, sự trái ngược nói trên cho thấy châu Âu đã áp dụng chính sách kinh tế chưa tốt kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 kết thúc. Thay vì tiếp tục tăng chi tiêu như Mỹ đã thực hiện, khu vực này lại tập trung thắt chặt chi tiêu.

Giới quan sát cho rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn trên khắp Eurozone - nơi tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức cao kỷ lục 12,1% và còn cao hơn ở một số quốc gia. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp là 26,7% và tại Hy Lạp lên tới 27,2%.

So với Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế chủ chốt khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn còn quá dè dặt trong việc đưa ra các biện pháp kinh tế và tiền tệ mạnh tay (như hạ lãi suất xuống xấp xỉ 0%, bơm tiền, các gói nới lỏng định lượng…) để kích thích tăng trưởng kinh tế. Eurozone cũng được cho là tiến chậm trong vấn đề thành lập liên minh ngân hàng để ngăn chặn khủng hoảng trong lĩnh vực này, do nội bộ vẫn “lục đục.” Trong khi hầu hết các nước thành viên đều tán thành xúc tiến nó thì Đức - nền kinh tế có tiếng nói lớn nhất khu vực - lại tìm cách trì hoãn với lý do cần có sự thay đổi về hiệp ước EU trước khi nghĩ tới chuyện liên minh ngân hàng.

Marie Diron, cố vấn kinh tế cấp cao của Ernst &Young cho rằng Eurozone đang đối mặt với hai khó khăn lớn là yêu cầu cấp bách phải cải tổ kinh tế nội khối và mức tăng trưởng có phần đáng thất vọng trong trao đổi thương mại quốc tế, đặc biệt là với các nền kinh tế đang nổi.

Tin vui là gần đây cũng có một số dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu đã sẵn sàng nới lỏng chính sách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Chẳng hạn, một số nước đã được gia hạn thời gian hoàn thành các mục tiêu kinh tế và tài chính. Trong tháng 5/2013, ECB đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5%. Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố sẵn sàng hành động nhiều hơn nữa nếu cần.

Eurozone sẽ “đi như thế nào" và "về đâu”?

Phát biểu cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jose Manuel Barroso cho rằng mặc dù vẫn tồn tại những “vấn đề thật sự” như thất nghiệp, nhưng những nghi ngờ về sự ổn định của đồng euro đã tan biến.

Cựu Chủ tịch Eurogroup (Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone), Jean-Claude Juncker, nhận định tình hình hiện nay không còn "kịch tính" như cách đây một năm. Dù đang đi đúng quỹ đạo, nhưng Eurozone vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và vì thế cần thúc đẩy cải cách, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời tiếp tục củng cố tài chính và tạo thêm đà tăng trưởng và việc làm.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng một vấn đề chủ chốt trong tiến trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới là cải cách ngân hàng.

Trong khi đó, các nhà kinh tế nhận định tình hình xấu đi ở Eurozone vẫn tiếp diễn. Cho đến nay, khu vực này vẫn chưa xuất hiện yếu tố thật sự khả quan nào để có thể chặn đứng đà đi xuống hiện nay.

Mặc dù Eurozone cũng có một số dấu hiệu tích cực hơn, như thặng dư thương mại đạt kỷ lục 22,9 tỷ euro trong tháng 3/2013 nhờ xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, và cả những động thái mới nhất là nới lỏng các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách (biện pháp nhằm xoa dịu những quan ngại trên các thị trường tài chính về khủng hoảng nợ), thì phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng Eurozone sẽ tiếp tục suy thoái trong quý tiếp theo và chỉ có thể đi lên, dù rất nhẹ, trong nửa cuối năm 2013.

Howard Archer, chuyên gia phân tích của tổ chức IHS Global Insight có trụ sở tại London (Anh), nhận định: "Chúng tôi dự báo GDP của Eurozone sẽ giảm 0,7% trong năm 2013 và những dấu hiệu phục hồi rất chậm sẽ chỉ xuất hiện vào những tháng cuối năm." Trong báo cáo kinh tế mùa Xuân, EC cho rằng Eurozone sẽ giảm 0,4% trong năm 2013, có phần nhẹ nhàng hơn mức giảm 0,6% năm 2012.

Hiện có không ít nhà kinh tế đưa ra cảnh báo về một thập kỷ suy thoái ở khu vực đồng euro, tương tự như những gì Nhật Bản đã trải qua trong những năm qua là liên tục rơi vào suy thoái rồi lại thoát ra./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục