Khủng hoảng Eurozone: Khi Hy Lạp vẫn là ngòi nổ

Quyết định của Thủ tướng Hy Lạp, Georges Papandreou hôm thứ Hai (31/10) về việc sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch cứu trợ của Liên minh châu Âu dành cho nước này là một cú sốc mà châu Âu không mong đợi.

Nếu người Hy Lạp nói “Không” trong cuộc trưng cầu ý dân, rất nhiều bi kịch sẽ đến, không chỉ cho nước này mà còn cho cả khu vực đồng tiền chung Euro.

Quyết định của Thủ tướng Hy Lạp, Georges Papandreou hôm thứ Hai (31/10) về việc sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch cứu trợ của Liên minh châu Âu dành cho nước này là một cú sốc mà châu Âu không mong đợi.

Nếu người Hy Lạp nói “Không” trong cuộc trưng cầu ý dân, rất nhiều bi kịch sẽ đến.

Ngay sau thông báo phát đi từ Athens, các thị trường tài chính châu Âu chao đảo trong ngày mà báo chí châu Âu gọi là “thứ Ba đen tối”. Chỉ số chứng khoán ở 3 sàn giao dịch lớn nhất châu Âu đều giảm: CAC 40 ở Paris sụt mất 5,38%, Dax ở Frankfurt tụt 5% và FTSE ở London mất 2,21%.

Đó chỉ là sự khởi đầu của làn sóng giận dữ lan đi nhanh chóng trong nội bộ các thành viên của khu vực đồng tiền chung Euro. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế đầu tàu, giận dữ nhận xét quyết định từ Athens là “thiếu trách nhiệm và không thể hiểu được.” Từ Italia, Thủ tướng nước này Silvio Berlusconi nói thẳng “Hy Lạp đang đùa với sự tồn tại của họ trong khu vực đồng Euro.”

Hy Lạp nghĩ gì?

Một tuần trước tại Bruxelles, các nhà lãnh đạo của EU, trong đó có cả Thủ tướng Hy Lạp Papandreou, và Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) đã phải họp bàn căng thẳng xuyên đêm với các thể chế tài chính như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Hiệp hội Ngân hàng quốc tế mới có thể đưa ra một kế hoạch cứu trợ mới cho Hy Lạp, nổi bật là việc xóa nợ đến 50% từ phía các ngân hàng đồng thời tiếp tục rót vốn để cứu nền kinh tế Nam Âu này thoát khỏi sụp đổ. Tất nhiên, đổi lại việc đó là một troika – cải cách toàn diện ở Athens, với những chính sách tài khóa khắc khổ và được giám sát chặt chẽ.

Việc Hy Lạp bất ngờ muốn trưng cầu ý dân về việc có chấp nhận kế hoạch cứu trợ đó hay không giống như một cái tát vào những nỗ lực của cả khối. Một cách hình ảnh, nó giống như việc một anh nhà nghèo tiêu hoang hết tiền bỗng dưng ngúng nguẩy trước khoản viện trợ sống còn từ những người láng giềng vốn có trách nhiệm và lợi ích là phải ra tay cứu giúp.

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã thúc đẩy Thủ tướng Hy Lạp đi đến một quyết định nhiều rủi ro như vậy?

Đặc phái viên của Vietnam+ tại Paris đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phân tích Eric Heyer, Phó giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế OFCE (Pháp), theo đó ông Hayer đã đưa ra những nguyên nhân sau:

Làm điều chính ra phải làm từ trước. Đó là biểu hiện rõ nét nhất ở chính ông Papandreou khi bắt đầu cảm nhận được sự mất kiểm soát bởi quy mô của cuộc khủng hoảng cũng như sức ép từ phía EU buộc phải cải cách để đổi lấy cứu trợ. Một cuộc trưng cầu ý dân đúng ra đã phải được tổ chức sớm hơn, từ năm 2010 khi khủng hoảng nợ công của Hy Lạp bùng phát, nhưng chính phủ Hy Lạp đã không làm điều đó.

Đến tháng 7/2011, khi một gói cứu trợ mới được châu Âu thông qua, người dân Hy Lạp cũng không được hỏi chính kiến. Giờ đây, với gói cứu trợ mới, đi kèm những chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, sa thải nhân công… chính phủ Hy Lạp lo ngại sự phản kháng trong dân chúng sẽ gia tăng ngoài tầm kiểm soát, nhất là sau một năm, những chính sách giải quyết khủng hoảng từ chính phủ tỏ ra không hiệu quả. Trưng cầu ý dân là một cách giải tỏa sức ép cho chính ông Papandreou và đảng cầm quyền PASOK trước đòi hỏi của dân chúng và các đảng đối lập đòi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Sự hoang mang. Chính phủ Hy Lạp hoang mang và người dân Hy Lạp cũng hoang mang. Báo chí Hy Lạp bắt đầu nói rất nhiều đến những nội dung của cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra trong tháng 12/2011. Đồng ý hay không với kế hoạch cứu trợ của châu Âu chỉ là một câu hỏi, 2 câu hỏi khác nghiêm trọng hơn là “có tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro?” và thậm chí là “có tiếp tục ở lại trong Liên minh châu Âu –EU?” Đó là một logic tiêu cực trong thời điểm khủng hoảng.

Những kịch bản

Trước khi những nhà lãnh đạo châu Âu, hiện đang tập trung ở Cannes dự Hội nghị G20, có thể gây sức ép buộc Thủ tướng Papandreou từ bỏ ý tưởng có thể gây hại cho toàn bộ khu vực đồng Euro, những kịch bản bắt đầu được vẽ ra, kể cả những kịch bản tồi tệ nhất.

Nếu cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành và người Hy Lạp nói “Có” với kế hoạch cứu trợ, lộ trình giải quyết khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể tiếp tục tiến hành nhưng đó vẫn sẽ là một vết sẹo đối với EU bởi nó tạo ra một tiền lệ xấu là bất cứ một thành viên nào cũng có cơ hội biến những nỗ lực của cả khối thành trò đùa. Chưa kể, vào thời điểm người dân Hy Lạp đang bất mãn hiện nay, việc nói “Có” với một chính sách có thể khiến họ mất công ăn việc làm là điều không dễ dự đoán.

Nếu người Hy Lạp nói “Không”, rất nhiều bi kịch sẽ đến.

Bi kịch trước tiên với chính Hy Lạp. Gần như ngay lập tức, Hy Lạp sẽ bị buộc ra khỏi khu vực đồng Euro và nền kinh tế Hy Lạp sẽ lập tức sụp đổ. Ở một đất nước thiếu sự minh bạch về tài chính và quản trị công, nơi mà như tờ Athens News vừa thống kê, số người sở hữu xe hơi đắt tiền Porsche Cayenne (giá 65.000 euro ở châu Âu) còn nhiều hơn ở New York, nhiều hơn cả số người công khai thu nhập trên 50.000 euro/năm, niềm tin của các nhà đầu tư là vô cùng thấp. Vì thế, dù Hy Lạp có quay về với đồng tiền riêng, đồng tiền đó sẽ mất ngay ít nhất 50% giá trị, tương đương với số tiền mà các ngân hàng “tự nguyện” bỏ đi khi đồng ý xóa nợ cho Hy Lạp. Trước mắt, chỉ riêng việc châu Âu tạm ngưng cấp khoản 8 tỷ euro dự kiến vào giữa tháng 11 cũng đủ khiến nước này không có khả năng trả nợ.

Khu vực đồng Euro cũng khó tránh bi kịch. Về cơ bản, cứu giúp một nền kinh tế nhỏ như Hy Lạp không phải là chuyện lớn với châu Âu khi chỉ riêng Quỹ bình ổn tài chính (FESF) cũng đã đủ lực để cứu Hy Lạp. Điều quan trọng hơn với châu Âu là cứu Hy Lạp để tránh khủng hoảng lây lan và tạo thành hiệu ứng domino trong khu vực. Vì thế, nếu Hy Lạp sụp đổ, nguy cơ rất lớn tiếp theo sẽ đến với Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đó mới chính là kịch bản đáng sợ bởi chỉ riêng Italia, với số nợ công gần 1.900 tỷ euro (chiếm 120% GDP nước này) đã là quá lớn để giải cứu.

Các ngân hàng châu Âu cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng các Ngân hàng Pháp đã đóng góp 8 tỷ euro cho Hy Lạp và đến 35 tỷ euro cho Italy. Nếu các nền kinh tế này sụp đổ, các ngân hàng cũng có nguy cơ. Ngay trong “ngày thứ Ba đen tối” vừa qua khi tin về cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp được tung ra, cổ phiếu Ngân hàng Societe Generale của Pháp đã mất 16,2% giá trị, cổ phiếu của BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất châu Âu, mất 12%. Đến khi đó, cả châu Âu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng hệ thống.

Để tránh điều tồi tệ đó, châu Âu sẽ bằng mọi cách không để Hy Lạp hành động một mình./.

Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục