Khủng hoảng giáng đòn mạnh lên kinh tế CPC

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực dệt may Campuchia đã đến sớm hơn dự kiến khi báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may nước này (GMAC) khẳng định số đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ đã giảm 30% trong 2 tháng đầu quý III/2008.

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực dệt may Campuchia đã đến sớm hơn dự kiến khi báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may nước này (GMAC) khẳng định số đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ đã giảm 30% trong 2 tháng đầu quý III/2008.

Đây là một tổn thất nghiêm trọng cho ngành kinh tế chủ lực của Campuchia bởi 70% lượng hàng dệt may xuất khẩu của nước này là sang thị trường Mỹ.

Nếu đà giảm sút tiếp tục kéo dài sang đầu năm 2009, nền kinh tế Campuchia sẽ bị giáng một đòn nặng nề bởi khu vực dệt may, với hơn 300.000 nhân công, trung bình mỗi năm đóng góp khoảng 2,6 tỉ USD cho GDP nước này.

Trong khi đó, Chủ tịch Tổ chức Công đoàn tự do Campuchia, ông Chea Mony mới đây cho biết, có ít nhất 10 nhà máy dệt may ở Campuchia đã phải đóng cửa do không có đơn hàng, và khoảng 6-7 nhà máy nữa chỉ sản xuất cầm chừng sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng tới Campuchia từ đầu tháng 9/08.

Quan chức cấp cao GMAC, Cheath Khemara, lý giải rằng khu vực dệt may Campuchia đang trong tình thế dễ bị "tổn thương" là do phụ thuộc rất lớn vào sự đầu tư của Hàn Quốc. Và khi các doanh nghiệp Hàn Quốc điêu đứng trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì viễn cảnh các nhà máy dệt may ở Campuchia phải đóng cửa hàng loạt là điều dễ hiểu.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển Campuchia (CIDS), cũng cho rằng cuộc khủng hoảng của ngành dệt may Campuchia sẽ tác động nghiêm trọng đến an sinh xã hội nước này, với một lượng lao động thất nghiệp khổng lồ.

CIDS cảnh báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia nhiều khả năng sẽ tụt xuống dưới mức 7% trong năm 2008 và còn thấp hơn nữa trong năm 2009. Trong bản đánh giá mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Campuchia sẽ chỉ khoảng 4,9%, với mức sụt giảm nghiêm trọng nhất diễn ra ở các khu vực dệt may và du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục