Khủng hoảng Myanmar tác động trực tiếp đến kinh tế Thái Lan và ASEAN

Bất ổn chính trị chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư ở ASEAN vì các công ty nước ngoài có thể mất niềm tin vào môi trường kinh doanh trong khu vực.
Khủng hoảng Myanmar tác động trực tiếp đến kinh tế Thái Lan và ASEAN ảnh 1Cảnh sát Myanmar siết chặt an ninh tại quận Hlaingthaya, thành phố Yangon ngày 14/3/2121. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tờ Bangkok Post, tình hình bất ổn chính trị sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 tại Myanmar khiến nước này đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế.

Ngân hàng Thế giới (WB) vào cuối tháng Ba đã hạ mức dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Myanmar trong năm nay xuống âm 10%.

Đây là sự đảo ngược mạnh mẽ so với bản cập nhật trước đó của WB vào tháng 10/2020, khi tổ chức này dự báo Myanmar trong năm 2021 tăng trưởng 5,9% - một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Trước đó, quốc gia châu Á này đã có được tốc độ tăng trưởng tích cực từ 5,9% đến 7,3% trong giai đoạn 2015-2019.

Đầu tháng 2/2021, một báo cáo của Fitch Solutions cảnh báo bất ổn chính trị ở Myanmar có thể "tác động đáng kể" đến nền kinh tế nước này, đặc biệt nếu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị trì hoãn hoặc bị hủy bỏ do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Trước tình hình đó, kinh tế Thái Lan và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể bị ảnh hưởng mạnh nếu tình hình căng thẳng ở Myanmar không giảm bớt.

Ảnh hưởng lan tỏa khắp ASEAN

Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Đại học Thương mại Thái Lan, nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN dự kiến sẽ giảm trung bình 0,5% trong năm nay. Tình hình bất ổn chính trị ở Myanmar được cho là có thể làm giảm dự báo tăng trưởng GDP của nước này từ 6% xuống còn 0-1%.

[Myanmar trước nguy cơ đánh rơi 'cây đũa thần' về kinh tế]

Theo ông Aat, bất ổn chính trị chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư ở ASEAN vì các công ty nước ngoài có thể mất niềm tin vào môi trường kinh doanh trong khu vực.

Ông Aat cho rằng ASEAN đã không thể thực thi quy tắc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại một quốc gia thành viên, và do đó, Bắc Kinh có thể có biện pháp để bảo vệ tài sản của Trung Quốc ở Myanmar nếu xung đột chính trị leo thang. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư ở ASEAN.

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar, tiếp theo là Trung Quốc và Thái Lan, nhưng dòng vốn đầu tư của các nước này có thể thay đổi trong tương lai.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển vốn sang Việt Nam hoặc Campuchia, trong khi doanh nghiệp Thái Lan cần tìm kiếm thị trường thay thế vì không ai biết tình trạng bế tắc ở Myanmar sẽ kéo dài bao lâu.

Chuyên gia Aat nói: “Các doanh nghiệp Thái Lan tại Myanmar đã đột ngột ngừng hoạt động kinh doanh và đưa nhân viên Thái Lan về nước vì họ tin rằng xung đột sẽ còn kéo dài. Myanmar đã đánh mất cơ hội vàng để trở thành điểm đến đầu tư."

Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Thái Lan-Myanmar (TMBC) Kich Aungvitulsatit tin rằng bất ổn chính trị sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế ASEAN chừng nào Naypyitaw không hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện từ cộng đồng quốc tế.

Theo ông Kich, nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với một số cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến quân đội Myanmar.

Mỹ cho biết nước này có thể xem xét việc đình chỉ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP, một cơ chế giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng hóa) dành cho Myanmar, khiến một số mặt hàng của quốc gia châu Á mất quyền tiếp cận miễn thuế với thị trường Mỹ.

Áp lực đối với doanh nghiệp Thái Lan

Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC), cho biết giá trị trao đổi thương mại giữa Thái Lan và Myanmar đã giảm 50-70% do các cuộc biểu tình chính trị diễn ra trên khắp Myanmar gây khó khăn cho việc tiếp tục kinh doanh tại nước này.

Những người biểu tình đến từ khu vực công và khu vực tư nhân, việc họ tham gia biểu tình khiến công việc mà họ phụ trách bị đình trệ.

Một số nhân viên trong các ngân hàng thương mại từ chối làm việc như một phần của phong trào bất tuân dân sự.

Các ngân hàng đóng cửa trong một thời gian, dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt của một số nhà điều hành kinh doanh.

Ông Sanan cho biết việc đóng cửa này gây khó khăn cho các công ty đang cố gắng hoạt động kinh doanh. Tình hình bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng đến tỷ giá đồng kyat của Myanmar so với USD, gây nguy cơ làm tăng chi phí sản xuất. Đồng kyat yếu hơn cũng đang trở thành một yếu tố làm “tê liệt” sức mua của người dân địa phương.

Khủng hoảng Myanmar tác động trực tiếp đến kinh tế Thái Lan và ASEAN ảnh 2Khu vực biên giới Myanmar-Thái Lan. (Nguồn: myanmartravelexpert.blogspot.com)

Theo ông Kich của TMBC, nhiều doanh nhân Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng vì họ buộc phải đóng cửa các cửa hàng ăn uống, spa.... trong cuộc xung đột chính trị, một số người đã phải đóng cửa trong một tháng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngày càng lo ngại về các lệnh trừng phạt quốc tế mà hiện chỉ giới hạn ở các công ty liên quan đến chế độ quân sự, nhưng có thể mở rộng ra bất kỳ thực thể nào có can dự với Myanmar.

Ông Sanan nhận xét tác động kinh tế nghiêm trọng sẽ rõ ràng hơn trong quý 3 năm nay. Về lâu dài, ông Kich tin rằng FDI vào Myanmar sẽ “bốc hơi.”

Theo TCC, đầu tư của Thái Lan vào Myanmar đạt 7-8 tỷ baht (224-256 tỷ USD) dàn trải từ các doanh nghiệp lớn đến nhỏ.

Chủ tịch TCC, ông Sanan cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan tại Myanmar đang cần những giải pháp khẩn cấp để giúp giải quyết dòng tiền bị đình trệ, đồng thời mong muốn được hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan.

Ông Sanan nói: “Nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc giảm ngày làm việc cho nhân viên hoặc buộc phải sa thải lao động,” bên cạnh các biện pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cố định trong khi một số doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động.

Một vấn đề khác là các doanh nhân Thái Lan không thể gửi tiền về nước và các nhà cung cấp của Thái Lan chưa nhận được tiền thanh toán sau khi xuất khẩu sản phẩm sang Myanmar.

Ông Kich cho biết các doanh nghiệp muốn chính phủ hai nước nới lỏng các quy tắc chuyển tiền, khôi phục các tập quán tài chính đã được thực hiện trước đây.

Trong cuộc thảo luận gần đây giữa đại diện doanh nghiệp và Bộ Thương mại Thái Lan, các đại biểu đã yêu cầu Chính phủ Thái Lan xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vì luật pháp Thái Lan yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp thuế đối với lợi nhuận tạo ra ở nước ngoài.

Một đề xuất khác là cung cấp các khoản vay lãi suất thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Myanmar.

Rak Vorrakitpokatorn, Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan, cho biết ngân hàng đang tìm kiếm các biện pháp để giúp các doanh nhân Thái Lan đang bị tác động lớn bởi cuộc hỗn loạn chính trị ở Myanmar.

Ông Rak nói các doanh nhân bị ảnh hưởng bao gồm cả những người đã đầu tư vào Myanmar và những người tiến hành kinh doanh hoặc buôn bán với Myanmar, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp này có thể sẽ sớm được triển khai.

Theo nguồn tin giấu tên từ Bộ Tài chính, một cuộc khảo sát sơ bộ cho thấy các doanh nhân Thái Lan, đặc biệt là những người kinh doanh hoặc buôn bán với Myanmar, gặp khó khăn trong việc chuyển tiền do hầu hết các ngân hàng ở đó đều mở cửa không liên tục, khiến nhiều người bị thắt chặt thanh khoản.

Về mặt đầu tư, các nhà đầu tư Thái Lan tại Myanmar gặp phải tình trạng thiếu lao động trầm trọng do các cuộc đình công của công nhân và một số công ty bị rút đơn đặt hàng.

Theo nguồn tin, bất ổn chính trị leo thang ở Myanmar bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan, với các lô hàng xuất đến Myanmar trong hai tháng đầu năm nay giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 650 triệu USD.

Năm ngoái, xuất khẩu của Thái Lan sang Myanmar đạt 3,79 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục