Khủng hoảng nợ Eurozone đang nhen nhóm quay lại

Khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có nguy cơ lại xuất hiện sau khi đã tạm lắng xuống trong 10 tháng qua.
Nhờ những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tạm lắng xuống trong 10 tháng qua.

Nhưng nguy cơ khủng hoảng nợ lại xuất hiện khi các cuộc đàm phán đầu tháng này về việc giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp gặp trở ngại, còn bất ổn chính trị kéo dài một tuần tại Bồ Đào Nha đã làm “nóng” thị trường trái phiếu nước này cũng như Italy và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, những nguy cơ đó cuối cùng đã được hóa giải, khi Hy Lạp lại được nhận cứu trợ dù số tiền bị chia nhỏ, còn Bồ Đào Nha đã củng cố lại chính phủ liên hiệp.

Hy Lạp tiếp tục được giải ngân gói cứu trợ

Ngày 7/7, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), về kế hoạch giải ngân 8,1 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ cho nước này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Theo báo cáo của các nhà tài trợ, thu ngân sách Hy Lạp vẫn tiếp tục giảm do suy thoái, chính phủ không kịp giảm chi tiêu để có thể hạ thâm hụt ngân sách xuống mức cần thiết.

Trong khi đó, chính Hy Lạp cũng đã thừa nhận rằng, từ nay đến cuối năm, nước này không kịp cắt giảm 4.000 viên chức trong chương trình giảm chi tiêu chính phủ.

Theo các nhà quan sát tài chính thuộc nhóm "bộ ba" chủ nợ, cuộc đàm phán hồi đầu tháng diễn ra hết sức phức tạp và khó có thể hoàn tất được việc xem xét giải ngân cho Hy Lạp trong tháng này và kế hoạch này cần phải hoãn sang tháng Chín, do hai bên chưa nhất trí về giải pháp lấp "lỗ hổng" tài chính cũng như việc Hy Lạp không đáp ứng được thời hạn chót do "bộ ba" chủ nợ đề xuất là trong tháng Sáu phải đưa 12.500 nhân viên thuộc khu vực công vào kế hoạch "lưu động," theo đó sẽ luân chuyển hoặc sa thải trong vòng một năm.

Ngoài ra, Hy Lạp cũng chưa đạt mục tiêu trong chương trình tư nhân hóa và cải cách khu vực nhà nước theo điều kiện của nhóm chủ nợ này, khi đã thất bại trong việc bán công ty khí đốt DEPA, còn công ty bảo hiểm y tế nhà nước EOPPY bị thâm hụt hơn 1 tỷ euro.

IMF tuyên bố nếu đàm phán thất bại, định chế tài chính này có thể phải rút khỏi chương trình cứu trợ chung để tránh vi phạm các nguyên tắc tài trợ của tổ chức này.

Thậm chí, nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, Hy Lạp có nguy cơ không nhận được khoản giải ngân tiếp theo. Trong khi đó, Hy Lạp sẽ đến hạn thanh toán 2,2 tỷ euro trái phiếu chính phủ vào tháng Tám tới.

Tuy nhiên, tại Hội nghị diễn ra ngày 8/7 tại Brussels, bộ trưởng tài chính các nước Eurozone đã đồng ý tiếp tục giải ngân 4 tỷ euro trong gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, nhưng theo từng giai đoạn và với một số điều kiện nhất định.

Trong số 4 tỷ euro này, 2,5 tỷ euro do các nước Eurozone tài trợ và 1,5 tỷ euro là từ hệ thống các ngân hàng trung ương châu Âu sẽ cùng được giải ngân trong tháng Bảy.

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Jeroen Dijsselbloem cho biết, đợt giải ngân này sẽ đi kèm với một số điều kiện nhất định như việc tôn trọng các cam kết trước đó của Hy Lạp, đặc biệt trong việc giảm chi tiêu công.

Ông Dijsselbloem nhấn mạnh các nhà chức trách Hy Lạp phải thực thi tất cả các cải cách được coi là những hành động tiên quyết đã được yêu cầu trước ngày 19/7 nếu muốn nhận được 2,5 tỷ euro từ các nước Eurozone.

Những hành động này bao gồm những cải cách quan trọng cần để giảm thiểu những rủi ro đối với chương trình cứu trợ của quốc tế và đưa đến tăng trưởng ổn định, tạo việc làm và đảm bảo sự vững chắc của tài chính công cùng với chương trình điều chuyển lao động trong lĩnh vực công và sửa đổi lại luật thuế thu nhập.

Bồ Đào Nha vượt qua khủng hoảng chính trị

Chính phủ liên hiệp ở Bồ Đào Nha vừa trải qua một tuần bất ổn, khi Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar, người từng được ví là "kiến trúc sư" của các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ từ EU và IMF dành cho Bồ Đào Nha, từ chức ngày 1/7, và Bộ trưởng Ngoại giao Paulo Portas cũng từ nhiệm chưa đầy 24 giờ sau đó.

Ông Gaspar buộc phải từ chức dưới sức ép gia tăng từ những người dân bất bình vì các biện pháp khắc khổ và xuống đường biểu tình, trong khi chính phủ liên tiếp thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nợ mà bộ ba chủ nợ đặt ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu liên minh cầm quyền tại Bồ Đào Nha tan vỡ thì việc thực thi các biện pháp khắc khổ mà EU yêu cầu trong hai năm qua nhằm đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro càng thêm khó khăn.

Lo ngại này này đã khiến thị trường tài chính Bồ Đào Nha chao đảo và lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này ngày 3/7 vượt qua ngưỡng nguy hiểm 8%, đồng thời kéo chi phí vay mượn của Tây Ban Nha và Italy tăng mạnh, trong khi thị trường chứng khoán Lisbon bị sụt giảm gần 6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2010, kéo theo sự đi xuống các thị trường chứng khoán châu Âu khác.

Tuy nhiên, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đã thông báo tại một cuộc họp báo cuối tuần trước rằng hai đảng trong liên minh cầm quyền đã đạt thỏa thuận về việc tiếp tục cùng nhau điều hành đất nước, đảm bảo sự ổn định chính trị, đồng thời ông cũng chỉ định ông Portas làm Phó thủ tướng chịu trách nhiệm về kinh tế và đại diện cho Bồ Đào Nha trong các cuộc gặp với bộ ba chủ nợ.

Chứng khoán Bồ Đào Nha đã bật mạnh trở lại và lãi suất trái phiếu đã giảm xuống mức 7,4% trong phiên giao dịch ngày 4/7, sau khi có tin chính phủ đã đạt thỏa thuận với các đối tác để ngăn chặn nguy cơ tan vỡ liên minh cầm quyền.

Với những bước đi đó của ông Coelho, bất ổn chính trị bắt nguồn từ việc thực thi các biện pháp khắc khổ ở nước này đã đi đến hồi kết, song cuộc khủng hoảng này là một cú đánh mạnh vào lòng tin của nhà đầu tư và các thị trường tài chính Bồ Đào Nha, khi khiến họ cực kỳ lo ngại về kế hoạch của Bồ Đào Nha trong việc rút khỏi chương trình cứu trợ vào tháng 6/2014, trong khi Standard & Poor's ngày 5/7 đã hạ triển vọng tín nhiệm của Bồ Đào Nha từ “ổn định” xuống “tiêu cực.”

Điều Bồ Đào Nha đang cần là một chính phủ ổn định và chính sách kinh tế tương đối dễ thở để có thể trở lại các thị trường tài chính và thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vào một ngày gần nhất.

Các biện pháp khắc khổ mà chính phủ thực hiện đã đẩy kinh tế Bồ Đào Nha chìm sâu vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1970 và hiện đã bước vào năm thứ ba của cuộc suy thoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục (hơn 18% lực lượng lao động).

Trong khi đó, trong quý 1 năm nay, thâm hụt ngân sách của nước này đã vọt lên mức 10,6% GDP, chủ yếu do nhà nước hỗ trợ một ngân hàng tư nhân tái cơ cấu vốn, trong khi mức thâm hụt trong quý 1/2012 là 7,9% GDP, còn mức trần theo quy định của EU là 3% GDP.

Còn nhiều vấn đề ở các nền kinh tế khác

Với Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, Viện thống kê INSEE cho biết, nợ công của nước này trong quý 1/2013 đã vọt lên mức 1.870,3 tỷ euro, tương đương 91,7% GDP, sau khi chạm mức 90,2% GDP vào cuối năm 2012, làm tăng thêm mối quan ngại về tình hình tài chính công của Pháp.

Tình hình nợ công hiện nay ở Pháp là hệ quả của thâm hụt ngân sách hàng năm, trong khi chính phủ nước này vẫn chưa ngã ngũ về các biện pháp kiểm soát thâm hụt ngân sách trong năm nay.

Chính phủ Pháp cũng thừa nhận nước này sẽ bỏ lỡ mục tiêu đạt mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP trong năm 2013 và Ủy ban châu Âu (EC) đã nhất trí cho Pháp thêm thời gian là hai năm để đưa thâm hụt ngân sách về mức 3% (so với mức mục tiêu hiện nay là 3,7%), nhưng với điều kiện Pháp phải đẩy mạnh cải cách về cơ cấu.

Cour des Comptes, cơ quan giám sát tài chính công của Pháp, còn cảnh báo thâm hụt ngân sách của nước này năm 2013 có thể lên tới 3,8-4,1%, song Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh nước này phải kiểm soát chi tiêu công trong năm nay và hiện vẫn còn quá sớm để nói đến con số thâm hụt ngân sách cả năm 2013.

Tại Italy, ngân hàng đầu tư Mediobanca tháng trước cảnh báo nước này cuối cùng sẽ không tránh được việc phải xin cứu trợ từ EU trong sáu tháng tới, trừ phi chi phí vay mượn được giữ ở mức thấp và nền kinh tế tìm được động lực.

Trong báo cáo mới công bố, IMF dự báo kinh tế Italy sẽ giảm 1,8% trong năm nay, thay vì giảm 1,5% như trong dự báo trước đó, và giảm 0,7% trong năm tới, khi triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone vẫn yếu và thất nghiệp quá cao (12,2% trong tháng 5/2012).

IMF cũng cảnh báo về những trở ngại đối với nền kinh tế Italy như việc không duy trì được các chính sách khiến các thị trường trái phiếu mất niềm tin, dẫn đến tín dụng bị thắt chặt hơn.

Bên cạnh đó, suy thoái kéo dài sẽ làm tăng số nợ xấu của các ngân hàng, nhất là nợ của các doanh nghiệp nhỏ và lĩnh vực xây dựng, gây lo ngại về tình hình tài chính quốc gia.

IMF khuyến cáo Chính phủ Italy cần đẩy mạnh các cải cách và triển khai kế hoạch tư nhân hóa đã bị trì hoãn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và việc làm, đồng thời nhấn mạnh rằng triển vọng tăng trưởng của Italy sẽ chỉ sáng sủa hơn nếu nước này thực hiện các cải cách toàn diện.

Trong khi đó, Tây Ban Nha dù đến nay vẫn chưa phải viện đến một gói cứu trợ đầy đủ, sau khi đã nhận được 40 tỷ euro từ quỹ cứu trợ của khu vực để cứu hệ thống ngân hàng trong năm ngoái, song sẽ phải đối mặt với một chặng đường dài trước khi có thể hồi phục nền kinh tế.

Tây Ban Nha đã rơi vào suy thoái từ năm 2011, đợt suy thoái thứ hai trong vòng 5 năm kể từ sau khi nền kinh tế nước này suy sụp do tình trạng vỡ bong bóng nhà đất vào năm 2008 và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới trên 27%.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Slovakia cũng đang có vấn đề, những cải cách ở Síp được tiến hành chậm và nước này muốn được nới lỏng các điều kiện cứu trợ, còn Ireland đang cần quỹ cứu trợ của khu vực tái cấp vốn cho các ngân hàng nước này nhằm giảm gánh nặng nợ./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục