Khủng hoảng nợ ở Hy Lạp bao trùm hội nghị WEF

Cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp phủ bóng đen lên các cuộc thảo luận trong ngày 29/1 của hội nghị WEF về phục hồi kinh tế thế giới.
Ngăn chặn Trái Đất nóng lên và bảo vệ môi trường toàn cầu là những chủ đề chi phối các cuộc thảo luận trong ngày 29/1 tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 40 ở Davos, Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp cũng đang phủ bóng đen lên các cuộc thảo luận cùng ngày về phục hồi kinh tế thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Bộ trưởng Tài chính nước này Iorgos Papakonstantin đã phải tổ chức thảo luận với một nhóm nước nhằm tìm biện pháp giúp Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng tín nhiệm, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling thừa nhận hỗ trợ Hy Lạp vượt qua thời kỳ khó khăn là nằm trong lợi ích của tất cả 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, nhưng tuyên bố London sẽ không tham gia bất kỳ kế hoạch cứu nguy Athens nào do Anh không nằm trong nhóm này.

Về môi trường toàn cầu, bất chấp những hoài nghi mới đây xoay quanh một số báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Tổng thống Mexico Felipe Calderon và Thư ký điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Yvo de Boer vẫn bảo vệ các nghiên cứu khoa học cho rằng mực nước biển đang dâng cao và các sông băng đang tan chảy, đe dọa hàng triệu người và nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Theo ông Calderon, hội nghị Liên hợp quốc sắp tới do Mexico đăng cai nhằm đi đến thỏa thuận ràng buộc pháp lý về chống biến đổi khí hậu trong năm nay có thành công hay không phụ thuộc vào nguồn tiền dành cho cuộc chiến này.

Ông kêu gọi các nước rút ra bài học từ hội nghị Copenhaghen, Đan Mạch, nhằm tìm ra một cơ chế kinh tế giúp cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đi đúng hướng.

Người đứng đầu tập đoàn Renault-Nissan Carlos Ghosn đề xuất đặt mục tiêu cắt giảm khí thải rõ ràng cho khu vực tư nhân, đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa các chính phủ với khu vực tư nhân trong vấn đề này.

Trong khi đó, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates đề nghị đặt mục tiêu rõ ràng hơn về viện trợ phát triển toàn cầu.

Về chiều hướng phục hồi kinh tế thế giới, một số đại biểu cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm nghiêng mạnh cán cân quyền lực từ Tây sang Đông.

Ông Hirotaka Takeuchi thuộc Đại học tổng hợp Hitotsubashi của Nhật Bản cho biết khối lượng thương mại của riêng nước này với Trung Quốc đã chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng thương mại toàn cầu. Nếu tính cả Ấn Độ thì nhóm ba nước này sẽ tạo thành "sân chơi chính" trong nền thương mại thế giới.

Nhà kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Standard Chartered, Gerard Lyons, chia sẻ quan điểm với ông Takeuchi và thừa nhận Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có nguồn tài chính lớn, dễ dàng thích nghi và thay đổi cho phù hợp với những biến động trên thế giới.

Các cuộc thảo luận trong ngày cũng đề cập cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng thiếu sự góp mặt của Tổng thống nước "đương sự" Hamid Karzai, do ông này đã hủy kế hoạch ghé qua hội nghị WEF sau khi tham dự hội nghị về Afghanistan ở Anh, nhưng không nêu lý do./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục