Khủng hoảng nước làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát ở Brazil

Cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua của Brazil đang khiến lạm phát gia tăng, từ đó đặt ra một thách thức lớn đối với ngân hàng trung ương nước này.
Khủng hoảng nước làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát ở Brazil ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua của Brazil đang khiến lạm phát gia tăng, từ đó đặt ra một thách thức lớn đối với ngân hàng trung ương nước này.

Theo tính toán từ tổ chức Fundacao Getulio Vargas của Brazil, hóa đơn tiền điện sẽ tăng đến 15% vào tháng tới, khi mực nước thấp một cách báo động tại các hồ chứa thủy điện đã buộc chính phủ phải chuyển sang các nhà máy điện đắt đỏ hơn chạy bằng khí tự nhiên, dầu diesel hay than đá. Giá thực phẩm cũng sẽ tăng lên do nông dân mất mùa một phần do hạn hán.

Các vấn đề này sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” đối với Brazil, nơi mà lạm phát tính theo năm đang ở mức hơn 8%, cao nhất trong 5 năm qua và gấp hơn hai lần mức mục tiêu. Công ty XP Investimentos SA ước tính tình hình trên sẽ chiếm 1 điểm phần trăm trong lạm phát của năm nay.

Các chuyên gia kinh tế vẫn chưa dự đoán được chính xác giá điện sẽ tăng bao nhiêu vào năm 2022, vì điều này không chỉ phụ thuộc vào thời tiết, vốn là yếu tố rất quan trọng ở một quốc gia mà các nhà máy thủy điện sản xuất đến 70% tổng lượng điện, mà còn phụ thuộc vào cách mà chính phủ sẽ giải quyết áp lực lạm phát từ việc triển khai nhiệt điện.

Lượng mưa năm nay của Brazil đang ở mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1931. Các hồ chứa ở các vùng trung tây và đông nam nước này, nơi có các nhà máy thủy điện lớn nhất nước, đã bước vào thời kỳ khô hạn vào tháng Ba với chỉ 35% sức chứa.

[Lạm phát khiến Ashgabat bất ngờ là thành phố đắt đỏ nhất thế giới]

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Năng lượng Brazil Marisete Dadald cho rằng một trong những phương án đang được xem xét là ký thỏa thuận với các ngành để tái phân phối hoạt động sản xuất vào các thời điểm trong ngày mà nhu cầu điện ở mức thấp.

Theo các chuyên gia trong cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Brazil, lạm phát của nước này được dự đoán ở mức 5,9% trong năm 2021 và 3,78% vào năm 2022, cao hơn các mức mục tiêu lần lượt là 3,75% và 3,5%.

Nhằm hạ các mức dự báo nói trên, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang để ngỏ khả năng nâng lãi suất mạnh hơn vào tháng Tám tới, sau ba lần tăng liên tiếp 75 điểm cơ bản.

Nhưng vẫn rất khó đoán định mức lạm phát của năm sau trước những lo ngại rằng lượng mưa có thể vẫn dưới mức trung bình trong lịch sử.

Trước tình hình đó, ông Andre Braz, một chuyên gia kinh tế của tổ chức Getulio Vargas Foundation, nhận định việc phân bổ điện hiện giờ sẽ là một cách khôn ngoan để giải quyết cuộc khủng hoảng nước hiện tại nhằm tránh các đợt cắt điện nếu tình hình này diễn biến xấu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục