Sri Lanka: Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng bị cách chức

Khủng hoảng Sri Lanka: Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng bị cách chức

Các nghị sỹ Quốc hội Sri Lanka trao quyền cho Thủ tướng bị cách chức Ranil Wickremesinghe kiểm soát một ủy ban quan trọng có nhiệm vụ sắp xếp chương trình nghị sự lập pháp.
Khủng hoảng Sri Lanka: Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng bị cách chức ảnh 1Ông Ranil Wickremesinghe trong một sự kiện ở Galle, miền nam Sri Lanka. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 23/11, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một tháng qua tại Sri Lanka có diễn biến mới khi các nghị sỹ Quốc hội nước này trao quyền cho Thủ tướng bị cách chức Ranil Wickremesinghe kiểm soát một ủy ban quan trọng có nhiệm vụ sắp xếp chương trình nghị sự lập pháp trong trường hợp không có một chính phủ hoạt động hiệu quả.

Ngay trước khi Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya tổ chức cuộc bỏ phiếu thành lập ủy ban trên, các nghị sỹ ủng hộ Thủ tướng vừa được bổ nhiệm Mahinda Rajapakse đã bỏ ra khỏi phòng họp để bày tỏ phản đối.

Khủng hoảng chính trị bùng phát tại Sri Lanka sau khi Tổng thống Sirisena ngày 26/10 vừa qua bất ngờ cách chức Thủ tướng Wickremesinghe, bổ nhiệm ông Rajapakse lên thay và đình chỉ hoạt động của Quốc hội.

[Quan chức điều tra người thân của Thủ tướng Sri Lanka bị sa thải]

Ông Rajapakse đã không vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, song không chấp nhận từ chức. Trong khi đó, ông Wickremesinghe khẳng định ông vẫn tại nhiệm và tiếp tục ở dinh thự Thủ tướng.

Hai tuần sau quyết định cách chức ông Wickremesinghe, Tổng thống Sirisena đã kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Sri Lanka đã đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống Sirisena, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm.

Các căng thẳng chính trị đã khiến chỉ số tín nhiệm của Sri Lanka sụt giảm. Chính quyền nước này ngày 22/11 thông báo sẽ ngừng phát hành trái phiếu chính phủ vì các chi phí vay quốc tế tăng vọt sau khi chỉ số tín nhiệm bị hạ bậc do khủng hoảng chính trị.

Bên cạnh đó, các nghị sỹ ở cả hai phe cho rằng chính quyền tê liệt khiến nhiều lĩnh vực quan trọng, như du lịch, của đảo quốc ở Ấn Độ Dương này đang bị ảnh hưởng nặng nề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục