Khủng hoảng tại Thái Lan: Quân đội là nhân tố quyết định?

Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cho rằng Thái Lan sẽ rơi vòng nguy hiểm nếu quân đội có dấu hiệu đứng về bên nào.
Khủng hoảng tại Thái Lan: Quân đội là nhân tố quyết định? ảnh 1Tư lệnh lục quân Thái Lan đầy quyền lực Prayuth Chan-ocha. (Nguồn:chiangraitimes.com)

Trong một động thái nhằm "hâm nóng" phòng trào biểu tình chống chính phủ sau khi thời hạn của những yêu sách mà người biểu tình đưa ra sắp kết thúc, Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố ông sẽ tổ chức một cuộc gặp với Tư lệnh tối cao của quân đội, tư lệnh của các quân chủng và tư lệnh cảnh sát.

Ông này giải thích rằng cuộc gặp trên, dự kiến vào tối nay, là nhằm giải thích rõ lập trường và mục tiêu của những người biểu tình mong muốn cải cách đất nước. Sau đó quân đội và cảnh sát sẽ tự quyết định đứng về bên nào.

Cuộc biểu tình này đã kéo dài gần 45 ngày và nó đang chứng minh được sức mạnh mong muốn cải cách của người dân. Hầu như mọi người đều muốn cải cách đất nước trước khi cuộc tổng tuyển cử mới diễn ra.

Ông Suthep dường như đang mong muốn quân đội đứng về phía họ sau khi có những tín hiệu ủng hộ người biểu tình từ phía tòa án.

Tư lệnh lục quân Thái Lan đầy quyền lực Prayuth Chan-ocha từng nói rằng quân đội ủng hộ các giải pháp có thể mang lại hòa bình cho đất nước và cử các binh sỹ tới giúp người biểu tình bị thương trong các cuộc xung đột với cảnh sát.

Tuy nhiên, lần này ông đã khẳng định không chấp nhận lời mời của thủ lĩnh biểu tình Suthep, với lý do Thái Lan sẽ rơi vòng nguy hiểm nếu quân đội có dấu hiệu đứng về bên nào.

Ông Prayuth còn nói thêm rằng vấn đề này cần phải có sự tham vấn với các tư lệnh quân đội khác và phải được báo cáo với Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng vì bản thân ông không có quyền như vậy. Quân đội phải đứng trung lập và mọi thứ cần được giải quyết bằng pháp luật.

Tư lệnh cảnh sát Thái Lan cũng không chấp nhận lời mời tham dự và giải thích rằng tất cả các tư lệnh quân đội đều nhất trí sẽ không tham dự cuộc gặp này.

Trước đó, Tòa án phúc thẩm đã ra phán quyết tuyên phạt người phát ngôn đảng Vì Thái Lan Prompong Nopparit cùng một thành viên khác của đảng này một năm tù vì tội phỉ báng cựu Chủ tịch Tòa án Hiến pháp.

Tòa án hình sự Thái Lan từng kết án hai thành viên này của đảng Vì Thái Lan mỗi người một năm tù nhưng cho hưởng án treo trong hai năm và phạt 50.000 baht.

Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm đã bác phán quyết này và buộc hai ông phải thi hành án một năm tù không cho hưởng án treo, với lời giải thích đây là những nhân vật có ảnh hưởng và cần phải làm gương cho người khác.

Phán quyết trên được đưa ra trong hoàn cảnh hiện nay đang khiến nhiều người đặt câu hỏi về lập trường của phía tòa án, nơi từng tham gia các "cuộc đảo chính tư pháp" bằng những phán quyết giải thể đảng cầm quyền.

Cho đến nay cuộc biểu tình do ông Suthep lãnh đạo đã có được một số thành công. Đó là việc buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải tuyên bố giải tán quốc hội và dự kiến một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra vào tháng 2/2014.

Nhưng những tranh cãi chính trị hiện vẫn chưa có lối thoát bởi ông Suthep còn muốn loại bỏ hoàn toàn chính phủ hiện nay mà ông coi là do chế độ Thaksin hậu thuẫn. Bế tắc này được nhiều người cho là khó có thể giải quyết nếu ông Suthep không có được sự ủng hộ từ phía quân đội Thái Lan.

Quân đội luôn tuyên bố là đã có được những bài học từ cuộc đảo chính 2006, nhưng chính người phát ngôn đảng Vì Thái Lan Prompong từng chỉ rõ rằng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon, cựu Tư lệnh lục quân Anupong Paochinda và cựu Phó tư lệnh lục quân Dapong Rattanasuwan, bạn của tướng Prayuth, là những người ủng hộ ông Suthep.

Trong một động thái mới nhất, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã bị kết tội giết người vì có liên quan tới cái chết của người biểu tình chống chính phủ năm 2010. Tòa án hình sự đã cho phép ông Abhisit đóng 1,8 triệu baht để bảo lãnh tại ngoại và ông này sẽ không được rời khỏi Thái Lan trong khoảng thời gian hiện nay.

Ông Suthep, người cấp phó cho ông Abhisit cũng có khả năng bị kết tội như vậy. Tuy nhiên, ông này đã xin hoãn nghe phán quyết tới tháng 1/2014 và được tòa án chấp thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục