Thời của các “ông mối”

Khủng hoảng: Thời của các “ông mối” ở Nhật

Trong giai đoạn khủng hoảng, làm ăn khó khăn như hiện nay thì ở Nhật Bản, các dịch vụ môi giới hôn nhân vẫn bùng nổ.
Trong giai đoạn khủng hoảng, làm ăn khó khăn như hiện nay thì ở Nhật Bản, các dịch vụ môi giới hôn nhân vẫn bùng nổ. Với đất nước mà dân số đang già đi, các cặp vợ chồng ngại sinh con, còn nam thanh nữ tú “lười” kết hôn thì điều này có nghĩa là “trong rủi có may”. Tìm niềm an ủi trong hôn nhân Trong lúc chán nản vì nhà hàng làm ăn thua lỗ, Yuta Honda chợt nghĩ đến cuốn sách Konkatsu Jidai (tạm dịch là "Kỷ nguyên săn lùng hôn nhân") mà anh có lần tình cờ đọc được. Đây là ấn phẩm bán chạy nhất ở Nhật Bản kể từ khi nó được tung ra thị trường đầu năm 2008. Trong cuốn sách, nhà xã hội học Masahiro Yamada và nhà báo Tohko Shirakawa sử dụng cụm từ “Konkatsu Jidai”, một cách ghép chữ trong tiếng Nhật Bản giữa từ “hôn nhân” và “hoạt động”, để hối thúc thanh niên không nên thụ động chờ tình yêu đến với mình. Với hy vọng việc môi giới hôn nhân sẽ giúp cải thiện tình trạng kinh doanh ế ẩm, Yuta Honda liền cải tạo nhà hàng thành “Konkatsu Bra”, có nghĩa là “chiếc yếm hôn nhân”. Điểm nhấn là chiếc “đồng hồ tình yêu”, một ngày một đêm tích tắc quay đều, đến điểm “kết hôn” thì dừng lại. Kể từ đó quán của anh lúc nào cũng đông thực khách độc thân đến tìm “đối tác”. Trường hợp của Yuta Honda là một ví dụ về sự thành công trong thời kinh tế suy thoái và nó chứng tỏ môi giới hôn nhân là một nghề đang ăn nên làm ra ở Nhật Bản.
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ người tôn thờ chủ nghĩa độc thân ở nước này trong 3 thập kỷ qua tăng từ 14% lên 47% đối với nam giới ở độ tuổi 30 đến 40, và từ 8% lên 32% ở nữ giới cùng độ tuổi.

Các doanh nghiệp, từ công ty môi giới hôn nhân, các hãng sản xuất đồ lót, đến các đội bóng chày chuyên nghiệp đều tìm cách tung ra các chiêu tiếp thị hôn nhân kiểu “Konkatsu Jidai”. Cụm từ này trở thành câu “cửa miệng” trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Nhật Bản, thậm chí còn được người ta lầm rầm cầu khấn ở những nơi linh thiêng.

Triumph International vừa tung ra thị trường loại “coócxê” in hình “đồng hồ hôn nhân” ở giữa hai bầu áo. Bên dưới là chiếc nhẫn đính hôn cài vào hộp hình trái tim cùng lời chúc “Mừng hôn nhân hạnh phúc!”.

Câu lạc bộ bóng chày chuyên nghiệp “The Hokkaido Nippon-Ham Fighters” bán “ghế Konkatsu” cho các trận đấu tháng 7 như một chiêu đẩy nhanh tốc độ “tìm hiểu”. Theo đó, nam và nữ sẽ được bố trí ngồi cạnh nhau trong suốt trận đấu. Giữa các hiệp, khán giả sẽ được chuyển chỗ để tạo cơ hội tiếp xúc với nhiều “đối tác”.

Phụ nữ quan tâm đến mánh tiếp thị này hơn. Trong khi có khoảng 2.000 phụ nữ đổ đi mua “ghế Konkatsu” trong ngày bán vé đầu tiên thì chỉ có 50 nam giới mua ghế loại này trong suốt mấy ngày. Theo các chuyên gia tâm lý, phụ nữ thường muốn kết hôn nhanh để có sự ổn định về tài chính, trong khi nam giới có xu hướng muốn trì hoãn việc “chui vào rọ” càng lâu càng tốt.

Cải thiện tình trạng dân số

Chính quyền một số địa phương ở Nhật Bản khuyến khích dịch vụ môi giới hôn nhân với hy vọng gia tăng tỷ lệ kết hôn đang mỗi năm một giảm.

Từ mùa hè năm ngoái, Công ty Shinagawa Ward ở Tokyo đã tổ chức hai bữa tiệc trà thu hút 80 trai chưa vợ, gái chưa chồng. Công ty này cũng đã giới thiệu 150 người độc thân cho một công ty môi giới hôn nhân khác.

Đặc biệt, từ tháng 10/2008 đền Imado ở Tokyo đã tổ chức dịch vụ cầu nguyện cho các “nam thanh nữ tú” muốn tìm kiếm vận may trong hôn nhân. Chi phí cho một buổi cầu nguyện kiểu tiệc trà như vậy là 6.000 yen (62 USD).

Dù số ghế hạn chế, mỗi buổi cầu nguyện như thế này vẫn có hàng trăm phụ nữ đăng ký. Tuy nhiên, rất ít đàn ông tham dự, vậy nên trang web của Imado luôn “kêu gào”: Chúng tôi đang “âm thịnh dương suy”.

Dịch vụ thúc đẩy việc dựng vợ gả chồng đã mang lại kết quả. Hãng dịch vụ môi giới hôn nhân Zwei cho biết tỷ lệ chị em ở độ tuổi 20 và 30 tìm đến với công ty trong quý đầu năm nay tăng khoảng 30% đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này ở phái nam cũng tăng nhẹ.

Cuộc khảo sát do “Viện Cuộc sống Hakuhodo” tiến hành, cho thấy 80% trong số 1.000 phụ nữ độc thân ở độ tuổi từ cuối 20 đến đầu 40 muốn kết hôn với người “tâm đầu ý hợp”, chỉ có vài chị em có tư tưởng “lấy chồng cho xong chuyện”.

Phải là người của xứ hoa anh đào thì mới hiểu hết ý nghĩa của việc thúc đẩy xây dựng gia đình. Chính phủ Nhật Bản thừa nhận dân số nước này bắt đầu giảm trong năm 2005, báo hiệu tình trạng lão hóa dân số nhanh chóng. Năm 2007 Nhật có trên 126 triệu người, đến năm 2025 dự tính sẽ còn 121,7 triệu, năm 2050 - 100 triệu và cuối thế kỷ 21 - 70 triệu.

Sự xuất hiện như nấm sau mưa của dịch vụ môi giới hôn nhân không có nghĩa tất cả những người độc thân ở Nhật Bản chuộng hình thức môi giới này.

Tomaki Takai, nhân viên bảo hiểm cho biết, anh không phản đối ý tưởng tiếp xúc với nhiều phụ nữ để chọn bạn đời nhưng sẽ bỏ cuộc nếu “chị chàng” ngồi cạnh trong quán cà phê chủ động buông lời: “Tôi đang săn tình”.

Trên thực tế, môi giới hôn nhân không phải là hiện tượng lạ lẫm ở Nhật Bản, nhưng nó đã bị “biến tấu” qua từng thời kỳ do những thay đổi về xã hội. Hình thức “môi giới” truyền thống, kiểu cô, dì “mai mối” cháu cho người quen biết trong địa phương, đã mai một dần.

Đến xã hội hiện đại, giới chủ thường “làm mai” nhân viên nữ cho nhân viên nam dưới quyền. Tuy nhiên, hình thức môi giới này đôi khi bị các ông chủ lợi dụng để sa thải nhân viên nữ sau khi họ đã kết hôn. Các mánh khóe này đổ bể sau khi “Luật bình đẳng về cơ hội tìm việc làm” được ban hành trong những năm 80 của thế kỷ trước./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục