Khủng hoảng Ukraine: “Cuộc đấu trí” Biden-Putin... bất phân thắng bại"

Khủng hoảng Ukraine: “Cuộc đấu trí” Biden-Putin..bất phân thắng bại

Mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraine, song hai bên vẫn tiếp tục đưa ra những cảnh báo và động thái khiêu khích nhằm "nắn gân" lẫn nhau.
Khủng hoảng Ukraine: “Cuộc đấu trí” Biden-Putin..bất phân thắng bại ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo TTXVN/AFP/Reuters/Trang mạng theguardian.com, ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Cuộc trò chuyện của nguyên thủ hai nước được thực hiện qua kênh liên lạc an toàn, kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, những nỗ lực nhắm tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraine bằng hàng loạt hoạt động ngoại giao điện đàm đã thất bại.

Mặc dù ít nhất hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại, song hai bên vẫn tiếp tục đưa ra những cảnh báo và những động thái khiêu khích nhằm "nắn gân" lẫn nhau.

Cuộc điện đàm này diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Nga và phương Tây, với việc Nga tiếp tục củng cố lực lượng gần biên giới Ukraine và tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua tại Biển Đen.

Trong khi đó, Washington cảnh báo một cuộc can thiệp quân sự tổng lực có thể diễn ra "bất kỳ lúc nào" - điều mà giới chức Nga bác bỏ.

Khi không bên nào chịu... “nhún nhường”

Về phía Mỹ, thông báo về nội dung điện đàm, hãng tin AFP dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã nhắc lại lời cảnh báo rằng nếu Nga tiến hành can thiệp quân sự với Ukraine thì Mỹ và các đồng minh cùng đối tác sẽ đáp trả quyết liệt và sẽ áp đặt những đòn trừng phạt khiến Nga phải chịu tổn thất nặng nề.

Tổng thống Biden nhấn mạnh mặc dù Mỹ sẵn sàng can dự bằng con đường ngoại giao, song cũng sẵn sàng chuẩn bị cho những biện pháp khác. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ thừa nhận với báo giới rằng cuộc điện đàm lần này "không đem lại bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào" mặc dù hai bên thể hiện tính chuyên nghiệp và thực chất trong đàm phán.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cuộc điện đàm này nằm trong chuỗi tiếp nối của các cuộc đàm phán Nga-Mỹ được tổ chức trực tuyến trước đó vào các ngày 7/12/2021 và 30/12/2021.

[Mỹ và Nga vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại về căng thẳng với Ukraine]

Tại buổi họp báo công bố một số nội dung của cuộc điện đàm, Trợ lý tổng thống Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov đã miêu tả cuộc trò chuyện diễn ra trong bầu không khí “cuồng loạn chưa từng có” của giới chức Mỹ về cuộc can thiệp quân sự được cho là sắp xảy ra nhằm vào Ukraine.

Do đó, khi đề cập đến khả năng xảy ra một kịch bản thảm khốc như vậy, phía Mỹ đã yêu cầu tổ chức cuộc điện đàm vào ngày 12/2, thay vì vào ngày 14/2 như đã thống nhất trước đó. Ông Ushakov khái quát rằng nội dung bao trùm trong các cuộc điện đàm là “sự leo thang xung quanh chủ đề 'can thiệp quân sự với' được thực hiện một cách đồng bộ và sự cuồng loạn lên đến đỉnh điểm.”

Tuy nhiên, theo ông Ushakov, cuộc trò chuyện giữa hai tổng thống Nga và Mỹ khá cân bằng và mang tính chất công việc. Thậm chí, Tổng thống Biden còn đề cập kinh nghiệm của những người tiền nhiệm trong thời Chiến tranh Lạnh đã làm mọi cách để tránh thảm họa, tránh xung đột nghiêm trọng giữa các nước.

Trong tình huống đó, ông Biden nói rằng hai cường quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh của nhau, nhưng họ phải làm mọi thứ để duy trì sự ổn định và an ninh trên toàn thế giới. Ông cũng nhấn mạnh cần phải làm mọi cách để tránh xảy ra kịch bản xấu nhất trong bối cảnh tình hình xung quanh Ukraine hiện nay.

Ông Ushakov lưu ý rằng nhà lãnh đạo Nga đã phản ứng trên tinh thần rằng Moskva sẽ phân tích kỹ lưỡng những cân nhắc mà ông Biden bày tỏ và Điện Kremlin chắc chắn sẽ tính đến những cân nhắc đó.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ những điều cân nhắc mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra, phía Nga nhận thấy chúng không hướng đến các yếu tố trọng tâm chính trong các sáng kiến của Nga. Tức là, không liên quan đến việc không mở rộng NATO, cũng không phải việc không triển khai các lực lượng tấn công trên lãnh thổ Ukraine, cũng không có sự trở lại của cấu hình lực lượng của Liên minh ở thời điểm của năm 1997, khi Đạo luật thành lập Hội đồng Nga-NATO được ký kết.

Ông Ushakov thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi đã không nhận được một câu trả lời thực sự”. Quan chức Nga chỉ ra rằng nhiều nội dung mà nhà lãnh đạo Mỹ đề cập trong cuộc điện đàm lần này, về thực chất, “đã nằm trong các phản hồi mà phía Nga nhận được vào ngày 26/1 từ Washington và NATO đối với các đề xuất trước đó của Nga.”

Theo phụ tá tổng thống Nga, trong bối cảnh căng thẳng xung quanh Ukraine, ông Joe Biden đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Nga có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề được nhấn mạnh khi bắt đầu cuộc trò chuyện khá dài với nhà lãnh đạo Nga.

Về phần mình, Tổng thống Putin đã phác thảo chi tiết các phương pháp tiếp cận, các vấn đề mang tính nguyên tắc của phía Nga và giải thích lý do tại sao ngay bây giờ cần phải giải quyết các vấn đề mà an ninh quốc gia của Nga thực sự phụ thuộc vào. Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại lịch sử quan hệ giữa Mỹ, NATO và Nga, rút ra kết luận điều gì đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện nay.

Đặc biệt, ông Putin lưu ý rằng trong những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ là đối thủ của nhau và trong những năm 1990, các bên dường như là bạn bè. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Mỹ và NATO cũng không mang tính xây dựng trong mối quan hệ với Nga. Ông Ushakov nói: "Sau đó, vào những năm 2000, đã có sự xuống cấp nghiêm trọng của các điều kiện an ninh trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương và sự xuống cấp này chính xác liên quan đến an ninh của đất nước chúng tôi.”

Theo ông, Tổng thống Nga nêu rõ đường lối của chính quyền Ukraine nhằm phá hoại các thỏa thuận Minsk đã tiếp diễn trong 8 năm qua. Đồng thời, quan chức Nga cũng lưu ý rằng các quốc gia phương Tây đang không gây áp lực để Kiev thực hiện các nghĩa vụ của mình. Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý đến sự nguy hiểm của việc quân sự hóa Ukraine.

Cả hai tổng thống nhất trí rằng, Moskva sẽ xem xét cẩn trọng những điều lưu ý mà ông Biden đề cập, đồng thời Washington cũng sẽ cân nhắc những phản ứng sắp tới của Moskva đối với các tài liệu lập trường nhận được từ Mỹ và NATO. Hai tổng thống đồng ý tiếp tục liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau về tất cả các vấn đề được nêu ra hôm nay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự đoán của Mỹ về việc quân đội Nga sẽ can thiệp quân sự với Ukraine vào ngày 16/2, ông Yury Ushakov cho rằng “người Mỹ đang thổi phồng sự cuồng loạn một cách giả tạo xung quanh cái gọi là cuộc can thiệp quân sự có kế hoạch của Nga. Đồng thời, cùng với các đồng minh, Mỹ và phương Tây đang tăng cường "cơ bắp quân sự" của Ukraine. Quan chức Nga cho rằng chính người Mỹ đang chọn con đường leo thang hiện nay.

Ông Yuri Ushakov nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chỉ ra những quan điểm của mình và nhiều lần đặt câu hỏi tại sao người ta cố tình cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin sai lệch về ý định của Nga.”

Những dự cảm căng thẳng

Nga đã làm gia tăng dự cảm xấu về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine khi Moskva rút một lực lượng nhân viên ngoại giao của mình ra khỏi Ukraine hôm 12/2, giải thích rằng quyết định này được đưa ra do lo ngại chính quyền Kiev có thể "manh động" tiến hành những hành động gây hấn.

Tuy nhiên, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu cung với Israel lại viện dẫn chính mối đe dọa về một cuộc can thiệp quân sự do Nga tiến hành ngày càng gia tăng đã khiến các nước này kêu gọi công dân của họ sớm rời khỏi Ukraine.

Trước đó, hôm 11/2, Washington đưa ra cảnh báo kinh hoàng nhất khi cho rằng Nga đã huy động đủ lực lượng để tiến hành một cuộc tấn công tổng lực. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo: "Theo đánh giá của chúng tôi, hành động quân sự như vậy có thể xảy ra bất kỳ ngày nào và có thể xảy ra trước khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh khép lại."

Theo quan chức Mỹ, Washington kết luận rằng Putin đã quyết định sẽ tấn công (Ukraine).

Tuy nhiên, một số cơ quan truyền thông của Mỹ và Đức dẫn các nguồn tin tình báo nhận định rằng một cuộc chiến có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó sau khi Putin kết thúc đàm phán với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Moskva dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/2.

Ban lãnh đạo Ukraine đã nỗ lực trấn an người dân về nguy cơ xảy ra chiến sự song tâm lý người dân nước này vẫn đang rất hoảng loạn và hoang mang.
Trước khi diễn ra cuộc điện đàm Mỹ-Nga nói trên, Moskva và Washington cũng đã "găng" nhau về sự cố tàu ngầm của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Nga cáo buộc Mỹ vi phạm luật lệ quốc tế khi điều tàu ngầm đi vào vùng lãnh hải của Moskva ở Thái Bình Dương, gây ra mối đe dọa đối với tình hình an ninh của Nga.

Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu hải quân Nga đã yêu cầu tàu ngầm Mỹ rời khỏi vùng lãnh hải của Nga ở Thái Bình Dương sau khi tàu ngầm này phớt lờ yêu cầu của phía Nga phải nổi lên mặt nước.

Tàu ngầm của Mỹ được phát hiện gần quần đảo Kuril trong bối cảnh Nga đang tiến hành tập trận hải quân. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga đã triệu tùy viên quân sự Mỹ tại Nga để phản ứng về vụ việc. Washington bác bỏ việc tàu ngầm nước này vi phạm lãnh hải của Nga.

Người phát ngôn Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đại tá Kyle Raines được AFP trích dẫn khẳng định con tàu ngầm lớp Virginia của Hải quân Mỹ "hoạt động trong vùng biển quốc tế" đồng thời không bình luận về những vị trí cụ thể mà con tàu ngầm này đã đi qua.

Phương Tây chỉ biết giơ cao... "quân bài cảnh báo"

Theo tờ The Guardian, những nỗ lực ngoại giao của các nước châu Âu nhằm hóa giải căng thẳng đều không đem lại kết quả nào. Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Putin tại Moska hôm 7/12 đã không đạt được bất kỳ đột phá nào.

Cuộc hội đàm theo định dạng "Normandy" gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine cũng không đem lại bất kỳ triển vọng nào. Các nước châu Âu giờ đây chỉ biết tăng cường chơi quân bài cảnh báo và cảnh báo. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/2 nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào sẽ dẫn đến những tính toán sai lầm của Putin vì Kiev sẽ "chiến đấu và họ sẽ đáp trả quyết liệt."

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cho biết ông đã nói rõ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rằng bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.

Trong chuyến công du đến Australia để tham dự cuộc họp của nhóm Bộ tứ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo một cuộc can thiệp quân sự của Nga đối với Ukraine sẽ có thể gây ra những hệ quả lây lan sang cả khu vực châu Á.

Ông Blinken cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nỗ lực đẩy lùi nguy cơ này, có thể thông qua các kênh ngoại giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục