Khủng hoảng Ukraine: Dấu hỏi về hướng đi mới cho “Nước Anh toàn cầu"

Theo tờ Financial Times, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ rõ thực tế rằng Vương quốc Anh không thể thoát khỏi vị trí địa lý của mình và an ninh của chính Vương quốc Anh gắn bó chặt chẽ với châu Âu.
Khủng hoảng Ukraine: Dấu hỏi về hướng đi mới cho “Nước Anh toàn cầu" ảnh 1Người dân rời khỏi một tòa nhà đổ nát sau vụ pháo kích tại thành phố Kharkiv, Ukraine, ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Financial Times, giống như rất ít kế hoạch quân sự có thể trụ vững sau lần tiếp cận đầu tiên với kẻ thù, rất ít tầm nhìn ngoại giao vĩ đại có thể tồn tại khi đối diện với thực tế, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine đang buộc các quốc gia phương Tây phải nhìn nhận lại các giả định cốt lõi.

Ở Anh, điều này có nghĩa là sự kết thúc những ảo tưởng Brexit về một hướng đi mới cho “Nước Anh toàn cầu."

Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ rõ thực tế rằng Vương quốc Anh không thể thoát khỏi vị trí địa lý của mình. Giấc mơ cao cả về việc định hướng lại tư tưởng của người Anh theo hướng ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giờ đây sẽ trở thành thứ yếu khi ưu tiên hàng đầu là thừa nhận rằng an ninh của chính Vương quốc Anh gắn bó chặt chẽ với châu Âu.

Báo cáo đánh giá tổng hợp vào năm ngoái về chính sách đối ngoại và an ninh của Anh, đặc biệt nhấn mạnh vào công nghệ cao và chiến tranh mạng, có nhiều vấn đề hay. Tuy nhiên, báo cáo này được đưa ra mà không tính đến những xung đột lớn cũng như các điều kiện phù hợp với một cường quốc độc lập hạng trung.

Sẽ là sai lầm nếu chú ý quá mức tới những lời hùng biện của Thủ tướng Johnson về một cường quốc biển tái sinh hướng tới các liên minh mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên thực tế, "Nước Anh toàn cầu" chỉ là một khẩu hiệu hơn là một chiến lược. Mặc dù hợp lý, chính sách ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngoại giao và kinh tế thời kỳ hậu Brexit.

Các khía cạnh quốc phòng của chính sách này chủ yếu là xây dựng quan hệ với Mỹ và củng cố chiến lược thương mại. Tuy nhiên, nó lại được đóng khung như một diễn văn chính trị nhằm tìm kiếm những chân trời mới.

[Cuộc khủng hoảng tại Ukraine: Bi kịch từ chủ nghĩa đơn phương?]

Báo cáo đánh giá nêu rõ cam kết của Anh đối với an ninh châu Âu thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và xác định Nga là mối đe dọa lớn nhất. Tuy nhiên, báo cáo này chủ tâm đề cập tới Liên minh châu Âu (EU) càng ít càng tốt và các thành viên Đảng Bảo thủ nhiệt tình tìm ra đủ lý do biện hộ cho việc này. Vì vậy, tư duy Brexit đã thúc đẩy tư duy ngoại giao và dựa vào sự yếu kém của chính sách an ninh của EU (và xung đột lợi ích của Đức) để củng cố vị trí của Anh ở NATO.
Cách tiếp cận này là không cần thiết.

Trong khi Anh luôn ủng hộ NATO hơn EU, Brexit không đòi hỏi nước này phải giữ thêm khoảng cách với EU về quốc phòng. Tuy nhiên, Anh đã làm suy yếu quan hệ hai bên, khăng khăng yêu cầu các cuộc họp EU đột xuất thay vì tuân theo các cấu trúc chính thức giúp củng cố quan hệ song phương. Trong khi đó, nỗ lực loại bỏ Nghị định thư Bắc Ireland đã khiến bạn bè (gồm cả Mỹ) xa lánh và thúc đẩy quan điểm cho rằng Anh là một đồng minh không đáng tin cậy.

Trong những tuần trước cuộc xâm lược Ukraine, các tổ chức phòng thủ của Anh đã hoạt động hiệu quả. Tình báo Mỹ và Anh đã đưa ra những cảnh báo chính xác. Anh sớm cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho Ukraine và quân đội cho các nước Baltic. Anh cũng có những nỗ lực ngoại giao đáng kể ở Đông Âu. Các lĩnh vực khác không hiệu quả bằng. Phản ứng trừng phạt đầu tiên của Anh chưa đủ mạnh, nhưng cũng giống lệnh trừng phạt của EU, đã tăng thêm sức mạnh. Chương trình trợ giúp tị nạn của Anh không chứng tỏ được quyền lực lãnh đạo mềm của nước này.

Tuy nhiên, tuần qua đã thách thức các giả định chiến lược của Anh và sẽ buộc chính phủ của ông Johnson phải điều chỉnh lại đặc biệt trong ba lĩnh vực.

Đầu tiên, có quá nhiều ưu tiên trong khi có quá ít kinh phí. Chính sách ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phòng thủ không gian và không gian mạng và các lĩnh vực khác đều có giá trị, nhưng chính sách hiện nay sẽ phải tập trung vào mối đe dọa từ châu Âu. Kinh phí cho chiến tranh mạng phải được duy trì; các nhiệm vụ toàn cầu khác có thể phải xếp sau.

Thứ hai, chiến lược quốc phòng phải được thay đổi và phải tăng chi. Đầu tư quốc phòng đã tăng thêm 16,5 tỷ bảng trong 4 năm qua. Trong khi chi cho Hải quân tăng, chi cho quân đội bị cắt giảm mạnh. Quân số sẽ giảm; 700 xe chiến đấu Warrior đang bị loại bỏ dần, trong khi chỉ có 2/3 số xe tăng Challenger 2 đã cũ sẽ được nâng cấp.

Năm ngoái, ông Johnson tuyên bố “các quan niệm cũ về các cuộc chiến bằng xe tăng lớn trên đất liền châu Âu đã chấm dứt." Có những thứ tốt hơn để đầu tư. Một số giả định như vậy sẽ phải được xem xét lại. Như một chuyên gia an ninh lưu ý: "Bạn không thể ngăn cản Nga bằng các phương tiện dành cho Afghanistan."

Thứ ba, Anh sẽ cần tìm các diễn đàn mới ngoài NATO để thống nhất với các thành viên EU về các vấn đề an ninh và khả năng chống chịu của châu Âu. Sự xuất hiện của một nước Đức được trang bị quân sự như một cường quốc an ninh lớn cùng với Pháp sẽ thay đổi các tính toán và có thể khiến Anh suy giảm ảnh hưởng ở NATO nếu nước này không thể tìm ra cách tốt hơn để hợp tác với EU.

Điều này càng đúng với bằng chứng về việc EU đã sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế vì mục tiêu an ninh. Đây hiện là một mệnh lệnh ngoại giao đối với Anh, đồng nghĩa với việc sửa chữa các mối quan hệ với Pháp. Vì liên minh ngoại giao cũ E3, gồm Pháp, Đức và Anh, sẽ trở thành E2+1, Anh có thể được phục vụ tốt hơn bởi một Bộ tứ gồm cả Mỹ, nước đã hợp tác chặt chẽ với Berlin và Paris.

Có thể sự thống nhất về mục đích của EU giảm dần theo thời gian và thay đổi nghiêm trọng này có thể làm xói mòn sức mạnh an ninh của Anh. Và viễn cảnh làm suy yếu EU để duy trì vị trí ưu thế của Anh ở NATO chưa bao giờ là một chính sách xa vời.

Vì vậy, giờ đây Anh cần một khuôn khổ vững chắc để hợp tác thay vì né tránh EU trong vấn đề an ninh. Nếu không, Anh có nguy cơ trở thành một diễn viên phụ ngay trên sân nhà và là người chơi nhỏ ở mọi nơi khác.

Ngoài những quan ngại trên thì cũng có ưu tiên lớn hơn về đạo đức để một châu Âu dân chủ tiếp tục sát cánh chống chủ nghĩa phát xít xâm lược một cách hiệu quả. Không cần thiết để Brexit tạo khoảng cách giữa Anh và EU về quốc phòng. Đây không phải là thách thức cuối cùng. Sự hùng biện về "Nước Anh toàn cầu" luôn vượt xa thực tế. Nhưng thực tế nghiệt ngã hơn và đã đến lúc chấm dứt những ảo tưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục